Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, cát, sỏi lòng sông

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, cát, sỏi lòng sông

Phạm Thị Phương Quế

Phạm Thị Phương Quế

Chủ nhật, 05/11/2017 14:00

Cát, sỏi là loại khoáng sản có vai trò quan trọng, thiết yếu trong xây dựng và cơ bản đã được quản lý, khai thác, sử dụng theo quy hoạch và quy định của pháp luật về khoáng sản.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có cát, sỏi lòng sông.

Số lượng các địa phương có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông không có giấy phép (khai thác trái phép) đã giảm từ 29 tỉnh, thành phố (năm 2012) xuống còn 20 tỉnh, thành phố (năm 2016). Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp.

Thực hiện nhiều giải pháp phòng chống vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông

Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ đã tổ chức 03 Hội nghị (vào tháng 10 năm 2015, tháng 3 năm 2017 và mới đây nhất là tháng 7 năm 2017) với Bộ, ngành liên quan và các địa phương để chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp phòng chống vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông, kể cả ở cửa sông, cửa biển; các địa phương cũng đã tập trung lực lượng đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và người dân.

Nhờ đó, số lượng các địa phương có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông không có giấy phép (khai thác trái phép) đã giảm từ 29 tỉnh, thành phố (năm 2012) xuống còn 20 tỉnh, thành phố (năm 2016).

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp; thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm, manh động khi đối phó với các cơ quan chức năng; đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ cát để nâng giá trục lợi, gây rối loạn thị trường.

Hậu quả của tình trạng này là làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước; tác động xấu đến môi trường; gây mất an toàn giao thông thủy, mất an ninh, trật tự; ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các công trình thủy lợi và là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

Kết nối- Chính sách - Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, cát, sỏi lòng sông

Hình minh họa. (Báo Hải quan)

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do công tác quản lý Nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi còn bất cập; tại nhiều địa phương, chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, chưa thường xuyên kiểm tra, thiếu kiên quyết trong xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; còn có biểu hiện dung túng, bao che hành vi vi phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự hiệu quả; một số quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong khi lợi nhuận từ việc khai thác trái phép cát, sỏi cao nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm.

Mặt khác, hoạt động khai thác cát, sỏi thường diễn ra ở các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều địa phương, công nghệ khai thác đơn giản, tổ chức khai thác linh hoạt, cơ động.

Tăng cường quản lý Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, trong đó có cát, sỏi lòng sông

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai một số nội dung công việc, cụ thể như sau:

(i) Đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13/01/2016 quy định kỹ thuật trong thăm dò cát, sỏi lòng sông phù họp với tính đặc thù của cát, sỏi lòng sông, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu công tác quản lý Nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

(ii) Đưa vào Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên các nội dung: trách nhiệm của các địa phương trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhất la ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép, trong đó có cát, sỏi lòng sông; quy định thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký khối lượng cát thu hồi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch.

(iii) Bổ sung các hành vi cần xử phạt, tăng mức phạt (gấp 2-3 lần) đối với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trong Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP).

(iv) Thực hiện khoản 3 Điều 63 Luật tài nguyên nước; khoản 4 Điều 26 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, Bộ đã xây dựng Thông tư quy định quản lý cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phối hợp liên ngành trong quản lý tài nguyên cát sỏi lòng sông, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, xây dựng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định quản lý cát, sỏi. Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành vào tháng 6/2018.

(v) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Dự thảo “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và một số giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi” để xem xét, ban hành trong quý IV năm 2017. Theo đó, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Theo monre.gov.vn 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.