Tảng đá lạ từng chứa vàng?
Để tìm hiểu ngọn ngành về tảng đá lạ ở đình Vạn Phúc có thật bị người Tàu xưa trấn yểm và có vàng hay không, chúng tôi quyết định tìm đến đình Vạn Phúc và đem câu chuyện ly kỳ quanh tảng đá lạ trao đổi với ban quản lý di tích đình và các cụ thượng thọ trong làng. Đó là tảng đá xanh có chiều dài khoảng hơn 2m, hình dạng giống như một chiếc quan tài nằm sát cổng trái của ngôi đình.
Ông Trịnh Xuân Kỷ, 75 tuổi, người làng Vạn Phúc cho biết: "Lịch sử tảng đá này có từ bao giờ và xuất hiện ở đây từ khi nào, tôi và nhiều cụ già trong làng cũng không rõ. Một số người biết câu chuyện về tảng đá có từ bao giờ thì đã mất lâu rồi. Bản thân tôi chỉ nhớ mang máng, ngày trước làng Vạn Phúc có hai tảng đá xanh, người làng dùng để treo kẻng, treo trống để báo động cho dân làng khi có việc. Còn tảng đá xanh hiện tại thì tôi không biết, đặc biệt là việc nó có bị trấn yểm hay không. Làng này chỉ có ông Thành trước đây là Phó ban quản lý di tích khá am hiểu về tảng đá lạ".
Ông Trịnh Xuân Kỷ và nhiều cụ già trong làng không biết tảng đá lạ có từ bao giờ.
Trước kia ông Thành ở gần đình nhưng vì lý do nào đó đã bán nhà và chuyển về sống ở một con ngõ trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Chúng tôi tìm đến nhà ông Thành để tìm hiểu thực hư lời đồn về tảng đá lạ bị yểm bùa.
Ông Đỗ Văn Thành, 78 tuổi, một cán bộ hưu trí của Liên hiệp xe đạp Hà Nội cho biết: "Chưa có một tài liệu khoa học, hay buổi hội thảo nào khẳng định tảng đá lạ bị người Tàu xưa yểm bùa. Tôi được biết, trước đây đình Vạn Phúc nhìn vào Núi Trúc hay còn gọi là núi Văn Chỉ, nơi thờ Khổng Tử. Sau đó người Hoa đã mua lại một phần đất ở khu vực núi Văn Chỉ để làm nghĩa trang. Vì cho rằng, để mả trước cửa thánh thì người đã khuất nằm đó không được an nghỉ nên họ đã trấn yểm. Cũng kể từ đó mà bao điều quái gở, không hay xảy đến với dân làng"?!!
Sau khi học xong khóa học cảm xạ học, ông Thành có nhiều thời gian hơn tìm hiểu về tảng đá kỳ lạ hình quan tài khắc 11 lỗ vuông chiếu thẳng vào cửa đình. Ông Thành cho biết: "Tôi đã đo sinh địa khí đất đình Vạn Phúc và thấy rằng chỉ số quá thấp. Quả thực sinh địa khí trong khuôn viên thấp như vậy là vì có tảng đá nằm đấy. Đặc biệt 11 lỗ vuông trên tảng đá chiếu thẳng vào cửa đình, điều này sẽ không tốt cho cả dân làng, những điều tai ương, quái gở sẽ kéo đến. Để hạn chế điều xấu và không để 11 lỗ khắc vuông chiếu thẳng vào đình, tôi nhờ mấy người công nhân lật ngửa tảng đá lên để các lỗ khắc vuông không chiếu vào cửa thánh".
Không những thế, ông Thành còn phân tích và cho biết, 11 lỗ vuông được người Tàu xưa trấn yểm, để linh thiêng người ta đã giấu vàng vào trong các lỗ đấy. Sau này, chỉ một số người Tàu còn giữ gia phả đã biết và lấy hết vàng mang đi. Nhưng trước câu chuyện tảng đá chứa vàng và nhiều của quý, nhiều cụ già trong làng chỉ cười và cho rằng đó chỉ là những lời đồn nhảm nhí. Họ sống với đất với làng từ ngày còn bé đến nay cũng gần một thế kỷ, nhưng chưa bao giờ nghe nói tảng đá có vàng. Nếu tảng đá có vàng thật thì đã không còn nguyên vẹn mà đã bị phá tan và không còn ở đây đến ngày hôm nay.
Sự trùng hợp khó lý giải
Chưa có cơ sở khoa học Ông Nguyễn Văn Bật, Phó trưởng ban quản lý di tích đình Vạn Phúc cho biết: "Thông tin tảng đá ở đình Vạn Phúc bị người Tàu xưa trấn yểm, có chứa vàng bên trong và gây tai họa cho dân làng là hoàn toàn vô căn cứ, chưa có cơ sở khoa học. Có lẽ, một vài gia đình gặp những điều không may mắn, điều chẳng lành thì đổ cho tảng đá xanh gây ra. Không những thế có người còn đề nghị ban quản lý di tích bỏ mấy tảng đá ở bậc lên xuống giữa cửa đình. Điều này hoàn toàn vô lý, một di tích lịch sử của các cụ để lại bao đời nay, cần phải tôn trọng, làm sao có thể vì một vài suy diễn cá nhân, huyễn hoặc mà làm khác đi được". |
Câu chuyện về tảng đá hình quan tài càng trở nên ly kỳ hơn, khi ông Thành kể cho chúng tôi nghe một lần ông đã tự tay hóa giải trấn yểm của người Tàu xưa, nhưng không được mà ông còn suýt mất mạng.
Ông Thành kể: "Một buổi chiều tôi đã dùng thanh xà gồ bịt tất cả 11 lỗ trên mặt tảng đá để hóa giải trấn yểm. Sau khi bịt tất cả các lỗ vuông, tôi dùng một dụng cụ giống như chiếc cần ăng ten đo địa sinh khí trên tảng đá. Tôi vui mừng vì chỉ số Bovis đo được tăng lên so với trước đó. Tưởng rằng đã thành công trong việc hóa giải bùa yểm, đến tối về tôi bỗng thấy tim đập nhanh hơn, tâm trí hoảng loạn.
Tôi biết mình đã không thể hóa giải tảng đá và bị phản tác dụng. Tôi đã dùng "ma phương" (giống như lá bùa có hình bát quái trên mặt - PV) và dùng chiếc cối gỗ úp vào các huyệt trên người mới thoát được "kiếp nạn".
Tưởng chừng điều xui xẻo đã qua đi, nhưng vài tháng sau cậu con trai nhà tôi đi sửa nhà thuê bị ngã từ tầng hai xuống rồi mất mạng". Điều trùng hợp này khiến ông Thành nghi ngờ về việc mình đã bịt các lỗ vuông trên tảng đá quan tài để hóa giải trấn yểm nên bị... trừng phạt.
Ông Nguyễn Huy Yên, 79 tuổi, thủ từ đình Vạn Phúc cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng chưa bao giờ nghe nói về tảng đá nằm trong khuôn viên của đình bị người Tàu trấn yểm hay chứa vàng bạc, châu báu. Hòn đá xuất xứ từ đâu và bao nhiêu tuổi tôi cũng không biết, khi sinh ra và lớn lên đã thấy tảng đá rồi. Từ những năm 1950 của thế kỷ trước, lũ học sinh chúng tôi hồi bé thường ngồi trên tảng đá hóng mát dưới gốc cây. Ngày đó chưa có trường học, các lớp học thường được dạy nhờ ở đình.
Còn việc có người tung tin đồn rằng tảng đá lạ bị trấn yểm luôn mang những điều xấu, tai ương đến cho dân làng thì hoàn toàn không có căn cứ và sự thật không phải như vậy. Ngày nay, dân làng làm ăn mỗi lúc một khấm khá, ngày càng nhiều cụ thượng thọ".
Vì sao có 11 lỗ vuông và xuất hiện từ bao giờ?
Người làng Vạn Phúc không ai nhớ tảng đá lạ khắc 11 lỗ vuông đặt trong đình có từ bao giờ và ít người quan tâm đến sự hiện diện của nó có thật sự ảnh hưởng đến dân làng hay không. Trong quá khứ, ở làng Vạn Phúc số người chết trẻ rất nhiều vì bị ảnh hưởng bởi ngôi miếu của người Tàu.
Ông Yên kể: "Từ rất lâu rồi, đình làng nhìn thẳng vào một quả đồi, nhưng sau đó các cụ bán một phần cho người Hoa sinh sống ở đây làm nghĩa địa. Họ tiến hành xây một cái miếu, không biết là vô tình hay cố ý mà phần hậu cung lại chổng đúng vào cung đình. Kể từ đó người hưởng thọ cao nhất trong làng cũng chỉ ngoài 50 tuổi, còn lại chỉ ngoài 40.
Một hôm có ông thầy người Tàu đi tìm gia phả ngang qua đình Vạn Phúc thốt lên một câu rằng "ôi đình làng này nếu cứ để như thế dân làng sẽ dần chết hết, đi xuống. Để hóa giải điều này cần phải đào một cái hồ trước cửa đình để trấn trạch long mạch". Dân làng làm theo thì quả nhiên sau này không còn tình trạng chết trẻ nữa. Lúc đó vào khoảng những năm 1930, khi tôi sinh ra đã thấy có cái hồ rồi và cũng kể từ đó đến nay dân làng sống khỏe mạnh và ngày càng có nhiều cụ thượng thọ".
Theo ông Yên, ngày trước, đình làng Vạn Phúc có tên là Vạn Bảo, nhưng sau khi vua Bảo Đại thoái vị, đình làng mới được đổi tên như ngày nay. Tất cả những lời đồn thổi chỉ là mê tín dị đoan, tảng đá xanh dù không biết rõ xuất xứ như thế nào nhưng không phải gây ra những điều không hay như một vài người vẫn nghĩ.
Nhiều lần ban quản lý di tích đã mời các đoàn khảo cổ học, nhà khoa học về làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận hay câu trả lời thuyết phục: "Rất mong các nhà khoa học, nhà chuyên môn sớm vào cuộc để có một kết luận rõ ràng, chấm dứt những lời đồn thổi để người dân hết hoang mang, yên tâm làm ăn", ông Yên nói.
Thiên Vũ