Từ ngày 1/12, theo quyết định của cục Điều tiết điện lực (bộ Công Thương), giá bán điện sinh hoạt sẽ được điều chỉnh.
Công tác điều chỉnh được thực hiện dựa theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày 30/6/2017.
Quyết định trên lập tức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Theo đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thẩm quyền tăng giá điện theo các hạn mức 3 – 5%, 5 – 10% và trên 10% giá bán điện bình quân hiện hành dưới sự giám sát của liên bộ Công Thương và bộ Tài chính.
Như vậy, đây là lần đầu tiên EVN thực hiện điều chỉnh giá điện theo quyết định mới. Giá bán điện bình quân được tăng lên mức 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Từ đó, giá điện mới đã tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh), nằm trong khung cho phép của bộ Công Thương.
Tuy nhiên, biểu giá bậc thang để tính giá điện vẫn như cũ, thể hiện sự bất cập trong quản lý Nhà nước đối với ngành điện lực.
Mức giá cho từng nhóm khách hàng vẫn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg với thang 6 bậc, khoảng cách 50 kWh.
Cụ thể, từ 0 – 50 kWh được tính tỉ lệ 92% so với giá bán lẻ điện bình quân. Tỉ lệ này đối với bậc 2 (51 – 100 kWh), bậc 3 (101 – 200 kWh), bậc 4 (201 – 300 kWh), bậc 5 (301 – 400 kWh) và bậc 4 (trên 401 kWh) lần lượt là 95%, 110%, 138%, 154% và 159%.
Giải thích cho biểu giá bậc thang này, bộ Công Thương nói rằng khuyến khích người dân tiết kiệm điện, đồng thời đã tham khảo các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông.
Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, cách tính này thể hiện bất cập so với biểu giá của Hồng Kông.
Phía Hồng Kông cũng tính giá lũy tiến, nhưng hoàn toàn theo hướng có lợi cho người dân với khoảng cách giữa các bậc tối ưu hơn so với nhu cầu sử dụng điện.
Theo đó, 150 kWh đầu sẽ có giá rẻ nhất, tỉ lệ là 68,8% so với giá điện bình quân hiện hành. Bậc 2 từ 150 kWh đến 300 kWh có tỉ lệ 82,7%.
Sau bậc 1 và 2 với khoảng cách 150 kWh, từ bậc 3, khoảng cách sẽ tăng lên là 200 kWh (301 – 500 kWh) theo tỉ lệ 96,6%. Tỉ lệ chỉ cao hơn 100% khi số điện tiêu thụ đến bậc 4 (501 – 700 kWh) là 120,2%. Và tỉ lệ cao nhất, 161,9% dành cho mức tiêu thụ trên 1.501 kWh.
Từ đó, dư luận có quyền đặt nghi vấn xoay quanh bất cập biểu giá điện cũ khi áp dụng mức giá bán lẻ điện bình quân mới của EVN.
Giá điện tăng trong khung cho phép với sức ép từ chi phí sản xuất là điều có thể chấp nhận. Tuy nhiên, các cơ quan có nên nghiên cứu thực tế nhu cầu tiêu thụ điện của người dân để áp dụng biểu giá mới cho phù hợp hơn?