Thêm thuế, thêm phí, tăng thuế, tăng phí những năm qua là khá nhiều. Nay chuẩn bị tăng nữa.
Người làm công ăn lương ráo mồ hôi hết tiền, hết tháng hết lương, nghĩa là có bao nhiêu tiền tiêu hết. Tăng VAT thực chất là giảm lương.
Chính phủ đang chủ trương tăng lưu thông hàng hoá để kích thích sản xuất. Bộ Tài chính đề xuất tăng VAT, đồng nghĩa với hạn chế tiêu dùng. Phải chăng chính sách nọ cản trở chủ trương kia?
Bộ Tài chính dẫn ra thông lệ quốc tế về thuế VAT nhưng không tư duy đồng bộ "thông lệ" thu nhập dân cư và chính sách vĩ mô. Các nhà hoạch định chính sách khoả lấp một chi tiết rất đáng quan tâm là tăng VAT thêm 2% của quốc gia giá hàng đắt thì ngang ngửa 5% đến 8% quốc gia có giá hàng rẻ. Đường chẳng hạn, 2% của cân đường ở Việt Nam 20.000 đồng, tương ứng mức tăng 5% cân đường ở Thái Lan giá 8.000 đồng (quy đổi sang VNĐ).
Chính sách vĩ mô thì Ngân hàng Thế giới khuyến cáo mức thu vào công quỹ chỉ nên 18%GDP. Việt Nam mức thu đã hơn 30% và tiếp tục tăng nữa. Tức là túi dân, túi doanh nghiệp còn rất mỏng!
Ở khía cạnh thứ hai của vấn đề là quản lý chặt nguồn chi tiêu công như giảm biên chế, không đầu tư tràn lan, quản lý chặt đầu tư, không bao cấp nhà ở, phương tiện giao thông cho “các quan” vì thực chất đã đưa vào lương, giảm chi phí hội họp... và rất nhiều cái giảm khác cũng có hiệu quả, hiệu quả rất nhanh nhưng bàn mãi, Nghị quyết mãi, thậm chí đã luật hoá... nhưng thực hiện vẫn rất chậm.
Thu từ túi dân rất nhanh. Giảm quyền lợi của “các quan” rất khó.Thế nên cần quyết tâm trong việc giảm chi hơn là tăng thu.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.