Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 1656/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2019, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Theo quyết định này, mức cho vay tối đa được tăng lên là 2.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính được giao trình cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí vốn cho vay, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện Chương trình sau năm 2020 theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật hiện hành, trong phạm vi tăng trưởng kế hoạch tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm. Tự cân đối nguồn vốn thực hiện từ nay đến năm 2020 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được cơ quan có thầm quyền phê duyệt.
Chính sách tín dụng ưu đãi cho vay vốn đối với HSSV ở nước ta được thực hiện trong gần 10 năm, theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2007, Thủ tướng ấn định mức vốn cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/sinh viên.
Nhờ đó, hàng triệu học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã có cơ hội tới trường. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã có việc làm ổn định, góp phần làm giàu cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Đến nay, do chính sách học phí thay đổi và giá cả sinh hoạt biến động, mức vốn vay này đã được điều chỉnh tăng dần. Cụ thể, năm 2018, mức vốn cho vay là 1,5 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Hoàng Mai