Cụ thể, tại quyết định số 17 vừa được Thủ tướng ký ban hành, người lao động tùy theo nhu cầu có thể lựa chọn một trong hai gói.
Với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng đến dưới 6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Với gói học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí của cơ sở đào tạo nghề và thời gian học thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng /người/khóa. Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.
Ngoài ra nếu người lao động học nghề vào thời gian có ngày lẻ không đủ tháng sẽ theo nguyên tắc 14 ngày trở xuống tính là nửa tháng, từ 15 ngày trở lên được tính tròn 1 tháng. Người đã nộp hồ sơ trước ngày 15/5 nhưng chưa có quyết định hỗ trợ thì vẫn được thụ hưởng chính sách này.
Theo quyết định, hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại điều 24 và điều 25 nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 61/2020/NĐ-CP). Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định nêu trên.
Chi phí hỗ trợ học nghề được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Hiện Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư khoảng 84.000 tỷ đồng. Năm 2020, hơn 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32% so với năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hơn 26.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, chủ yếu học lái xe, nấu ăn, pha chế.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Tuổi Trẻ)