Ngày 6/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định số 37/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.
Bổ sung hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
Theo đó, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP đã bổ sung Điều 2a và Điều 2b vào sau Điều 2 của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); trục xuất đối với người nước ngoài.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này thì được coi là tình tiết tăng nặng.
Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quốc phòng gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép; buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, đăng ký nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập, đăng ký tạm vắng; buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự; buộc thực hiện việc báo cáo theo quy định; buộc tiếp nhận trở lại trường học; tiếp nhận và bố trí việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc; buộc tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ làm việc; buộc thực hiện quyết định hoặc lệnh huy động phương tiện kỹ thuật dự bị; buộc thu hồi sản phẩm không bảo đảm chất lượng; buộc giải tán lực lượng dân quân tự vệ thành lập, tổ chức không đúng pháp luật; buộc tham gia huấn luyện dân quân tự vệ; buộc chấp hành quyết định điều động dân quân tự vệ làm nhiệm vụ; buộc di dời ra khỏi khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực cơ yếu gồm: Buộc giao sản phẩm mật mã cho người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để quản lý; buộc bố trí sản phẩm mật mã theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; buộc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ của ngành Cơ yếu để bảo đảm an toàn, bí mật các thông tin bí mật Nhà nước truyền đưa bằng các phương tiện thông tin, viễn thông hoặc lưu giữ trong các thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông.
Phạt tới 35 triệu đồng khi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 6 vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Cụ thể, phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng (quy định cũ phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng).
Đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 12 đến 15 triệu đồng.
Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự (quy định cũ phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng).
Đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt tiền từ 25 đến 35 triệu đồng.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 7 vi phạm quy định về nhập ngũ.
Cụ thể, phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng (quy định cũ phạt tiền từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng).
Đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng.
Phạt tiền từ 50 đến 75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ 2 trường hợp quy định nêu trên.
Không đăng ký nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt đến 10 triệu đồng
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, nam công dân đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu có thể bị phạt cảnh cáo.
Còn đối với khoản 2 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, Nghị định 37/2022/NĐ-CP đã tăng mạnh mức phạt từ tiền từ 200.000 đến 600.000 đồng theo quy định trước đây lên thành từ 8 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP; không đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định; không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định; không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú/nơi làm việc, học tập theo quy định; không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.
Tuệ Minh