Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Hoạt động điện lực không có giấy phép bị phạt tới 200 triệu đồng
Theo đó, phạt tiền tổ chức từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Hoạt động điện lực trong thời gian Giấy phép hoạt động điện lực bị mất, bị thất lạc mà không báo cáo cơ quan cấp giấy phép; không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực trong trường hợp Giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn sử dụng.
Phạt tiền tổ chức từ 90 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không tuân thủ một trong các nội dung của Giấy phép hoạt động điện lực, trừ các hành vi khác quy định tại Nghị định này; tự ý sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy phép hoạt động điện lực…
Phạt tiền tổ chức từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Cung cấp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép không chính xác, không trung thực; hoạt động điện lực khi Giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng; không đảm bảo một trong các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật trong suốt thời gian hoạt động.
Phạt tiền tổ chức từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Hoạt động điện lực mà không có Giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động điện lực trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại Giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động điện lực trong thời gian vi phạm để sung vào ngân sách Nhà nước.
Tăng gấp đôi mức phạt với hành vi thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định
Nghị định 17/2022/NĐ-CP còn quy định tăng nhiều lần mức xử phạt với các hành vi vi phạm về sử dụng điện so với quy định tại Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trước đây, mức phạt tiền tối đa với hành vi này là 15 triệu đồng.
Đồng thời, người cho thuê thu lợi bất hợp pháp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt.
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với hành vi cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.
Phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với các hành vi: Vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện; Tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tự ý đóng điện dùng khi công trình sử dụng điện của bên mua điện chưa nghiệm thu, khi đang trong thời gian bị ngừng cấp điện do vi phạm quy định của pháp luật. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng với hành vi: Gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sợ đồ đấu dây); Sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.
Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của khách sử dụng điện lớn: Không thực hiện chế độ sử dụng điện theo đúng mức yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia trong trường hợp hệ thống bị hạn chế công suất; không có biện pháp đảm bảo tiêu chuẩn điện áp đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; Sử dụng trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để đấu nối vào lưới điện quốc gia; Không thực hiện các lệnh thao tác của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia; Không thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng; Không thực hiện đầu tư hệ thống thông tin liên lạc, SCADA/EMS/DMS, đo đếm điện năng theo quy định. Trước đây, mức phạt với hành vi này là từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP mức xử phạt trên áp dụng với cá nhân; trường hợp tổ chức vi phạm, mức xử phạt gấp 2 lần đối với cá nhân.
Vi phạm về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất bị phạt tới 20 triệu đồng
Nghị định nêu rõ, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không gửi biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp và quyết định ban hành biện pháp đến Sở Công Thương tỉnh, thành phố nơi xây dựng dự án hoạt động hóa chất để giám sát, quản lý.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không lưu giữ biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được ban hành tại cơ sở hóa chất làm căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm soát an toàn tại cơ sở và xuất trình các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi đã xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng không ra quyết định ban hành biện pháp mà vẫn đưa dự án vào hoạt động.
Phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện bổ sung, chỉnh sửa biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến những nội dung đề ra trong biện pháp.
Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động.
Tuệ Minh