Như đã phản ánh trước đó, dư luận tỉnh Cà Mau đang xôn xao về việc xuất hiện 2 xe Lexus GX 460 mang biển số xanh 80A mà tỉnh Cà Mau sử dụng. Theo ghi nhận từ hồ sơ, 2 chiếc xe này có giá hơn 3 tỷ đồng/chiếc, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tặng cho tỉnh Cà Mau vào tháng 3/2016. Trong đó, một chiếc màu trắng mang biển xanh 80A-338.39 và một chiếc màu bạc có biển số 80A-369.69.
PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) về vụ việc này.
Trước vấn đề báo chí và dư luận đề cập, đặc biệt là nghi vấn về động cơ, mục đích của việc doanh nghiệp tặng xe tiền tỷ cho cơ quan nhà nước, ông có suy nghĩ như thế nào, thưa ông?
Khi một doanh nghiệp tặng món quà với trị giá lớn lên đến hàng tỷ như vậy cho một cơ quan nhà nước thì việc dư luận sẽ đặt câu hỏi nhằm động cơ, mục đích gì là đương nhiên.
Việc doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt tham gia đóng góp, ủng hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương hay làm từ thiện ủng hộ người nghèo hay xây dựng Trường Sa… là điều rất tốt, cần hoan nghênh.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn mà tặng ô tô giá trị lớn cho cơ quan nhà nước lại là chuyện đáng bàn, khó tránh khỏi việc việc dư luận xôn xao, bàn tán. Người ta sẽ đặt ra các câu hỏi xung quanh việc doanh nghiệp này làm ăn thế nào, lỗ lãi ra sao mà lại dễ dàng tặng ô tô như thế, giống như chuyện doanh nghiệp dự định tặng xe ô tô sang cho cơ quan nhà nước tỉnh Ninh Bình cách đây không lâu.
Sau khi Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý tặng cho UBND tỉnh Cà Mau hai chiếc Lexus GX 460 có giá trên 6 tỷ đồng, doanh nghiệp này được ứng 25 tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng nhà máy xử lý rác thải. Nhiều ý kiến cho rằng liệu có sự ưu ái ở đây hay không?
Điều lo ngại là sau khi nhận xe của doanh nghiệp, chính quyền địa phương liệu có phải ưu ái, có chính sách riêng cho đơn vị tặng quà. Trường hợp Cà Mau được tặng xe sang cũng như Ninh Bình hồi năm 2016. Tôi cho rằng UBND tỉnh Cà Mau cần chủ động báo cáo Chính phủ việc nhận 2 ô tô Lexus của doanh nghiệp. Từ đó Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, làm rõ việc đó có đúng pháp luật, có động cơ, mục đích gì đằng sau hay không?
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thì: “2 chiếc xe doanh nghiệp (DN) tặng được thực hiện đúng quy trình. Tỉnh cũng giao sở Tài chính rà soát, tiếp nhận tài sản cho tặng. Sau khi rà soát, sở Tài chính có đề xuất và được UBND tỉnh chấp nhận”. Pháp luật quy định vấn đề này ra sao, thưa ông?
Mặc dù pháp luật không cấm nhưng giao dịch này được thực hiện bởi hai chủ thể đặc biệt và có tính nhạy cảm cao nên phải tuân thủ một số quy định khác, mà cụ thể ở đây là quy chế về việc tặng quà và nộp lại quà tặng... ban hành kèm theo quyết định số 64/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND tỉnh phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước. Trong trường hợp này (ôtô có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên), UBND tỉnh phải lập phương án xử lý tài sản để báo cáo lên Chính phủ và sau đó bộ Tài chính ban hành quyết định về việc xác lập quyền sở hữu nhà nước. Tài sản được tặng phải phù hợp với đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng theo quy định. Nếu không phù hợp thì phải từ chối hoặc xử lý bán.
Quyết định 64/2007 của Chính phủ về quy chế tặng quà, nhận quà tặng của cơ quan nhà nước cũng có quy định về việc nếu quà tặng không phù hợp thì cơ quan đơn vị được tặng phải từ chối hoặc xử lý bán theo giá thị trường. Nghiêm cấm quà tặng của các cơ quan, đơn vị và cá nhân mà việc tặng quà đó không rõ mục đích.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Hường thực hiện