Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu có thể lên tối đa 8.000 đồng/lít. Đây là mức khung mới mà bộ Tài chính đề xuất trong dự án luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi). PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Ủy viên ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội để có những phân tích thấu đáo về vấn đề này.
PV: Bộ Tài chính vừa chính thức đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu ở mức 4.000 – 8.000 đồng/lít. Quan điểm của Đại biểu ra sao về đề xuất này?
ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường: Thứ nhất, về mặt quản lý Nhà nước, chúng ta cần thực hiện song song các biện pháp hành chính và kinh tế trong điều tiết các hành vi xã hội. Đặc biệt là trong vấn đề môi trường, hiện đang có nhiều hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tôi đồng tình với việc chúng ta phải dùng các biện pháp kinh tế mạnh hơn trong xử lý, bảo vệ môi trường. Vì vậy, đưa thuế bảo vệ môi trường vào giá xăng, dầu là một biện pháp cần thiết và có sự hợp lý của nó.
Thứ hai, việc đánh thuế cũng giúp người tiêu dùng có ý thức tiết kiệm không sử dụng bừa bãi. Như vậy, đánh thuế môi trường vào xăng, dầu sẽ giúp hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, về mặt mục tiêu tôi hoàn toàn ủng hộ.
Tuy nhiên, điều chúng ta cần bàn đến là xác định thuế đưa vào giá xăng, dầu là bao nhiêu và chúng ta sử dụng số tiền thu được đó như thế nào? Đây là câu chuyện khác và đang đặt ra nhiều điều băn khoăn. Trước hết, nếu chúng ta đưa vào mức thuế cao, tất yếu sẽ làm cho giá xăng dầu ngoài thị trường tăng lên ít nhất tương đương với mức tăng của thuế.
PV: Vậy chắc chắn trường hợp giá xăng, dầu tăng sẽ kéo theo sự tăng dây chuyền của nhiều loại hàng hóa?
ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường: Trong kinh tế học thường lấy sự gia tăng giá xăng, dầu là ví dụ điển hình của tác động dây chuyền về giá các mặt hàng khác. Vì xăng, dầu là nhiên liệu được sử dụng phổ biến trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội, do vậy, nó có tác động mạnh nhất đến tất cả các lĩnh vực. Trước hết, giá xăng tăng đương nhiên giá cước vận tải tăng, từ đó làm cho giá hầu hết các hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng. Khi đó, tăng thuế môi trường đánh vào xăng, dầu sẽ có thể đưa đến tác động ngược đối với nền kinh tế.
Chúng ta muốn kiềm chế lạm phát và kiểm soát không tăng giá hàng hóa tiêu dùng mà lại làm tăng giá xăng, dầu là mặt hàng có tác động tăng giá đẩy mạnh nhất đến các mặt hàng khác, khi đó e rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát khó đạt được. Chính vì thế, việc đề xuất tăng thuế vào mặt hàng xăng, dầu ở mức cao cần phải cân nhắc rất kỹ để tránh tác động dây chuyền, gây ra các hậu quả không mong muốn đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Một điểm nữa, nhiều người đặc biệt quan tâm là tiền thu được từ thuế đánh vào xăng dầu, chúng ta có thực sự dùng cho việc tái tạo bảo vệ môi trường hay không? Tiền đó được sử dụng ra sao? Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một công bố minh bạch, rõ ràng việc sử dụng những khoản phí, thuế thu được từ các mặt hàng thiết yếu được sử dụng ra sao? Điều này không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều người dân quan tâm, băn khoăn. Chính băn khoăn đó là điều làm cho phần đông các ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này.
PV: Thực tế hiện nay, xăng dầu đang chịu khá nhiều loại thuế phí. Cụ thể, xăng dầu đang chịu đồng thời thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường mà nhiều người đang cho là “thuế chồng thuế”. Và mức thuế cao như đề xuất có gây nên trình trạng “thuế cao chồng thuế cao”?
ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường: Hai loại thuế này có mục tiêu khác nhau. Thuế tiêu thụ đặc biệt khuyến khích việc tiết kiệm, hạn chế việc tiêu thụ xăng dầu. Còn thuế bảo vệ môi trường là nhằm khắc phục hậu quả môi trường do sử dụng xăng dầu gây ra. Chúng ta chưa có khả năng dùng các khoản thu thuế này để cải tạo, khắc phục được những khí thải, chất thải từ quá trình sử dụng xăng dầu vào môi trường mà chủ yếu mới dừng lại ở các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa xăng dầu thải trực tiếp vào môi trường trong quá trình vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ, sử dụng xăng dầu.
Với mục tiêu sử dụng như thế, thì thuế, phí này chỉ nên duy trì ở mức phù hợp. Việc thu cao để mong muốn cải tạo môi trường, tôi cho rằng điều đó không khả thi. Còn nếu mục tiêu thu thuế môi trường cao để hạn chế sử dụng xăng dầu thì lại trùng với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt. Lúc đó, đương nhiên là “phí chồng phí, thuế chồng thuế”.
PV: Nếu đề xuất này được QH chấp thuận sẽ có tác động ra sao với nền kinh tế, thưa Đại biểu?
ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường: Như tôi đã nói ở trên, xăng, dầu là mặt hàng có tác động làm tăng giá, đẩy rất mạnh đến giá các mặt hàng tiêu dùng khác và sẽ tác động ngay đến đời sống, sản xuất, kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bất kỳ một hoạt động sản xuất kinh doanh nào cũng sử dụng đầu vào là nhiên liệu xăng, dầu. Chính vì thế, chúng ta tăng thuế bảo vệ môi trường vào xăng, dầu thì giá thành sản xuất các sản phẩm tất yếu sẽ tăng, làm mất đi khả năng cạnh tranh của các sản phẩm/doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở cửa và hội nhập. Như vậy, tăng thuế môi trường trong giá xăng, dầu chắc chắn sẽ có tác động ngược đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp trong nước.
Chúng ta đưa thuế bảo vệ môi trường vào giá xăng, dầu khác hoàn toàn với các loại thuế khác. Như thuế nhập khẩu có thể thay đổi tùy theo giá xăng dầu còn thuế bảo vệ môi trường là mức tiền cứng. Giá xăng dầu của thị trường thế giới tăng cao hay thấp thì vẫn chốt mức thuế là con số tuyệt đối. Chính điều đó, tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Với tác động như thế, tôi cho rằng rất cần cân nhắc trong việc quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường vào xăng, dầu.
PV: Như các luận điểm ông nêu ở trên, vậy cá nhân ông có bấm nút đồng ý thông qua điều này khi luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) được bỏ phiếu?
ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường: Trước hết, cần có giải trình thuyết phục hơn để cho thấy rằng chúng ta tăng thuế không làm tác động xấu đến kinh tế vĩ mô, không làm tác động xấu đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu đó như thế nào, có thực sự mang lại ý nghĩa cho việc bảo vệ môi trường không. Nếu chưa làm rõ được 3 vấn đề nêu trên thì không phải riêng cá nhân tôi mà tôi nghĩ nhiều ĐBQH khác sẽ không đồng tình và đương nhiên không bấm nút chấp thuận điểm này trong dự án Luật.
PV: Xin cảm ơn ĐB về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm - Hương Lan