Khoảng 21h15 ngày 22/3, xe ô tô tải mang BKS: 36C – 136.40 (chưa rõ danh tính lái xe) chạy trên Tỉnh lộ 530, theo hướng xã Trí Nang – thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa). Khi xe chạy đến Km + 570 (thuộc bản Hắc, xã Trí Nang) thì đâm vào taly dương bên phải đường và bị lật.
Hậu quả, 7 người ngồi trên xe (bao gồm cả lái và phụ xe) đều tử vong. Danh tính các nạn nhân gồm: Phạm Thị B. (SN 1980), Lê Thị Th. (SN 1988), Lê Thị C. (SN 1984), Lê Thị S. (SN 1972), Lê Minh L. (SN 1962), đều trú tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh và Nguyên Quốc H. (SN 1973), Tô Văn Q. (SN 1974), đều trú tại huyện Yên Định.
Ba trong số 7 nạn nhân của vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên đều trú tại bản Cảy, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Đây được coi là một ngày đau thương của bản nghèo vùng cao này, khi chồng mất vợ, mẹ mất con, con cái mất mẹ và “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Anh Hà Văn Bình (SN 1975, chồng nạn nhân Phạm Thị B.) vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của người vợ đầu ấp tay gối. Anh Bình đau buồn cho biết: “13h ngày 22/3, vợ tôi được người ta gọi đi bốc gỗ keo, tới khoảng 22h đêm, tôi nhận được tin báo từ người dân gần nhà vợ tôi gặp tai nạn. Khi lên tới nơi đã thấy cơ quan chức năng có mặt tại đó, tôi rất sốc trước khung cảnh của vụ tai nạn. Nhìn thấy thi thể vợ, tôi đã không thể đứng vững, ngất lịm đi và được người nhà đưa về”.
Năm 2000, sau khi kết hôn, vợ chồng anh Bình và chị B. sinh hạ được hai người con, một trai và một gái. Họ được bố mẹ dựng cho một căn nhà gỗ đơn sơ tại bản Cảy để ra ở riêng. Vợ chồng làm nghề nông, nhưng diện tích đất canh tác ít, nên những lúc nông nhàn, hai vợ chồng vẫn thường cùng với nhiều gia đình trong bản đi cắt, bốc thuê keo tràm kiếm tiền nuôi con ăn học. Đây được coi là nguồn thu nhập chính của vợ chồng anh Bình và nhiều hộ gia đình tại bản Cảy.
Theo anh Bình, bình thường hai vợ chồng họ đi bốc thuê keo cùng với nhau, nhưng trưa hôm xảy ra tai nạn, do anh bận công việc nên mình vợ đi làm cùng với mọi người trong bản. Công việc bốc thuê keo từ dưới đất lên xe tải không có thời gian cố định, thông thường làm từ 13h đến 22h mới trở về nhà, nếu hôm nào nhiều hàng thì phải làm tới 4 - 5h sáng hôm sau.
Công việc bốc vác rất nặng nhọc, nhưng thu nhập mỗi người một ngày chỉ khoảng 200.000 đồng. Dù thu nhập khá thấp, nhưng do không có nghề phụ nên họ phải cố gắng làm lụng để mưu sinh, nuôi con ăn học.
Ngoài chị B., tại bản Cảy còn có hai nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn giao thông vào đêm 22/3 là chị Lê Thị C. (SN 1984) và chị Lê Thị Th. (SN 1988). Vừa tới đầu bản, tiếng chồng khóc vợ, mẹ khóc con … ai oán, thê lương.
Theo tìm hiểu của PV, gia đình nạn nhân C. có 7 nhân khẩu, trong đó có một mẹ gia thường xuyên đau ốm, một cô em chồng tật nguyền và hai đứa con nhỏ. Anh Lê Phi Mạnh (chồng chị C.) bị tai nạn trong một lần đi cắt keo thuê nên cụt mất đầu ngón tay trái và hiện sức khỏe yếu. Hôm xảy ra tai nạn, do đau tay nên anh Mạnh ở nhà, mình vợ cùng với một số chị em trong xóm đi làm bốc vác keo thuê. Đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng họ gặp nhau. Cuộc sống gia đình anh Mạnh và hai nạn nhân khác trong bản Cảy rất khó khăn.
“Thường cả hai vợ chồng tôi đi làm cùng nhau, cả đội chúng tôi có 5 cặp vợ chồng, tổng gồm 10 người. Công việc bốc vác thường không ổn định, ngày có ngày không. Hôm đó, do tay bị đau nên tôi ở nhà, nhóm chúng tôi chỉ có 8 người đi bốc gỗ keo, chỗ bốc cách nhà chúng tôi khoảng hơn 10 Km. Khi vụ tại nạn xảy ra, tôi lên tới nơi thấy cảnh tượng rất đau lòng, nhìn thấy thi thể vợ, tôi cảm giác như muốn chết lặng đi” - Anh Lê Phi Mạnh, chồng nạn nhân C. kể lại.
Vượt qua cầu treo bản Cảy, chúng tôi tìm đến gia đình chị Lê Thị Th. (SN 1988), một trong những nạn nhân trẻ tuổi nhất tử vong trong vụ tai nạn. Một không khí tang thương, u uất đang đè nặng lên cả gia đình. Người thân, bà con lối xóm đang chuẩn bị tiến hành di quan, đưa chị Th. đi chôn cất theo phong tục địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi anh Hà Văn Thắng (SN 1990, em nạn nhân Th. cho biết: “Vì cuộc sống khó khăn, nên chị tôi cố gắng tần tảo làm việc để lo cho gia đình và nhất là hai con nhỏ được học hành tử tế. Có hôm chị tôi đi làm từ sáng sớm tới đêm mới về, cũng vì miếng cơm manh áo. Chị có tâm nguyện sửa sang lại căn nhà đã cũ, dột nát nhưng còn chưa kịp thực hiện thì xảy ra cơ sự này rồi”.
Khi chúng tôi rời khỏi bản Cảy cũng là lúc mọi người đang khiêng quan tài của chị Th. vượt sông ra nghĩa trang của dòng họ để chôn cất.
Ông Trịnh Đức Hùng – Chủ tịch UBND xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cho biết, hoàn cảnh của ba nạn nhân trú tại bản Cảy khá khó khăn. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tới thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân và trích kinh phí hỗ trợ chi phí mai táng.
Xuân Chinh - Việt Phương.