Sau nhiều giờ túc trực để nhận dạng người thân, thân nhân của 10 nạn nhân xấu số lại vội vã theo những chiếc xe cứu thương trở vào bệnh viện. Nỗi đau thất thần vẫn còn đó. Trên gương mặt họ, bàng hoàng xót xa trước sự ra đi đột ngột, thương tâm của con cháu, cha mẹ, anh chị em mình.
Người mẹ già nuốt nước mắt vào trong
Suốt đêm và ngày 24/2, những chiếc xe cứu thương liên tục ra vào khu nhà xác bệnh viện An Bình (quận 5, TP.HCM) chở xác những nạn nhân thiệt mạng từ vụ nổ. Không khí tại nhà xác vốn lạnh lẽo, càng nhuốm màu tang thương trước dãy thi thể của 10 người xấu số đột ngột ra đi sau một tiếng nổ rung trời. Những đôi mắt mệt mỏi, sưng đỏ sau một đêm thức trắng và khóc quá nhiều.
Nhưng cũng có những người không thể khóc nổi trước nỗi đau quá lớn và đột ngột mà họ vừa nhận được. Những thi thể người phủ khăn trắng lần lượt được nhập áo quan, lần lượt đưa về chùa làm lễ và sau đó sẽ được hỏa táng. Mùi khói nhang, mùi hôi nồng nặc của chất khử trùng, khử khuẩn bay khắp nhà tang lễ.
Trong 10 thi thể người nằm kia, đau đớn hơn cả là gia đình nạn nhân ông Lê Minh Phương (58 tuổi, ngụ quận 3). 6 người trong gia đình, gồm vợ chồng ông Phương, ba người con và một người em gái đã ra đi, không một lời trăng trối. Trong căn nhà phát ra tiếng nổ ấy, không một ai còn sống sót.
Thậm chí, thân thể họ còn bị cháy xém, biến dạng, đến mức không thể nhận dạng được như bà Lương Thị Tuyết (43 tuổi, em ông Phương). Cơ quan chức năng đành phải chờ con của bà Tuyết từ Đà Lạt xuống để tiến hành xét nghiệm ADN, nhận người thân.
Người thân túc trực trong nhà xác chờ tin nạn nhân.
Mẹ ông Phương vừa cùng gia đình từ Đà Lạt xuống sau hung tin về con trai mình. Được biết ông Phương là con cả trong một gia đình khá đông anh chị em, nhưng hầu hết đều sinh sống trên Đà Lạt. Bà tất bật ra vào với những lần làm lễ nhập quan của các con cháu mình. Thỉnh thoảng bà ngồi xuống ghế, ánh mắt nhìn vào vô định giữa đám người đang vội vã đi lại xung quanh. Người phụ nữ ấy không nhỏ một giọt nước mắt nào. Nỗi đau ấy quá lớn để một người mẹ như bà có thể bật khóc vào lúc này. Nhưng dường như đôi vai của bà còng xuống hơn, trĩu nặng một nỗi đau lớn không gì có thể khỏa lấp của mái đầu bạc phải tiễn đưa 6 kẻ đầu xanh.
Ở một góc phòng, bà Phan Thị Kim Sang (53 tuổi, vú nuôi làm việc tại gia đình ông Phương) lặng lẽ nhìn đăm đăm vào tấm di ảnh của cô bé 6 tuổi. Giọng bà khàn đặc và đôi mắt sưng đỏ vì khóc quá nhiều. Tấm di ảnh ấy là của bé Lê Nam Phương (SN 2006), con gái út của ông Phương. Trong ảnh, một bé gái xinh xắn đang mỉm cười hồn nhiên. Bà Sang đã gắn bó với bé Sóc (tên thân mật của bé Nam Phương) từ nhỏ nên bé rất quấn bà. Từ 28 Tết, Sóc đã theo bà về quê ở Đồng Tháp ăn Tết. Mới đây, ông Phương mới đón bé lên để kịp ngày đi học trở lại.
Bà Phan Thị Kim Sang rưng rức khóc rồi nghẹn ngào: "Sóc bị mất một cánh tay, còn một cánh tay vẫn còn ở tư thế giơ lên trước mặt che khói. Quần áo của con bé cũng cháy hết rồi... Giờ con bé mất đi không có quần áo để mặc. Tội nghiệp cháu quá". Một vài người phụ nữ đứng quanh bà Sang đưa tay chấm những giọt nước mắt rưng rưng. Khung cảnh này, những lời này cho một cô bé mới 6 tuổi đầu, không ai có thể kìm được những giọt nước mắt xúc động chỉ chực trào ra.
Một vài người chị em họ hàng của bà Mạc Thị Phước (48 tuổi, vợ ông Phương) cũng túc trực từ sớm đến giờ. Được biết bố mẹ bà và một người chị gái còn ở bên Úc chưa kịp về. Một người họ hàng cho biết: "Một người chị gái của chị Phước cũng mất vì tai nạn giao thông mới được mấy năm, mà bố mẹ chị Phước đã ngất lên ngất xuống. Không biết khi nghe tin dữ này, ông bà có chịu nổi hay không?".
Trong nhà xác, có một vài nhóm các em học sinh tới tiễn đưa hai người bạn của mình là em Lê Khánh Phương (SN 1996) và Lê Minh Quân (SN 1998), là hai con của ông Phương. Một cô bạn gục đầu vào vai người bạn đi cùng để giấu đi giọt nước mắt. Vĩnh viễn từ đây, các em sẽ không còn được trò chuyện, nô đùa cùng gương mặt, giọng nói thân quen của hai người bạn mình nữa.
Những người bạn đồng nghiệp của ông Phương cũng tìm đến nhà tang lễ, tiễn đưa ông lần cuối. Trong mắt họ, ông Phương là một giám đốc công ty Lạc Việt hòa đồng, thân thiện với ước muốn làm được thật nhiều những bộ phim về miền Tây, vừa dung dị, vừa hài hước như bản chất của người dân nơi ấy.
Giờ đây, ông đã không còn cơ hội để làm điều ấy nữa. Những người hàng xóm, bạn bè với ông Phương cũng bàng hoàng không kém trước tai nạn thương tâm của cả gia đình ông. Họ chỉ còn biết an ủi rằng: "Tội nghiệp cho ông ấy, sinh nghề tử nghiệp mà còn liên lụy đến cả gia đình, hàng xóm. Thôi, âu cũng là kiếp nạn không ai mong muốn...".
Thi thể nát vụn của nạn nhân được bỏ vào các thùng giấy nhỏ chờ người thân đến nhận.
Những nỗi đau... từ trên trời rơi xuống
Vụ nổ đã khiến ít nhất 3 căn nhà kề bên đổ sụp, kéo theo nhiều người đang ngủ trong đó bị thương và tử nạn. Tất tả từ Bến Tre lên bệnh viện, chị Phạm Thị Mị (con gái bà Nguyễn Thanh Minh (51 tuổi) và em ruột Phạm Ngọc Thùy (26 tuổi), 2 nạn nhân chết tại hiện trường, sống trong căn nhà số 384/7A. Cách đây ít ngày, gia đình chị còn sum vầy vui vẻ bên nhau, vậy mà chỉ sau 1 đêm, chị mất cả mẹ lẫn chị gái. Trước thi hài người thân, chị Mị khóc lặng trong đau đớn.
Trong cảnh hỗn loạn sau vụ nổ, anh Trần Minh Thường (ngụ nhà 384/7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thẫn thờ đứng chờ đợi tin từ những người cứu hộ với ánh mắt đỏ hoe. Ba anh bị thương, vừa được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Phía dưới đống đổ nát kia là mẹ, chị gái và cháu nhỏ vẫn còn bị vùi lấp chưa tìm thấy thi thể. Sau tiếng nổ chói tai và bức tường nhà đổ sập, anh chỉ kịp đưa được ba của mình ở phòng ngoài ra, quay trở vào đưa vợ con trèo qua sân thượng nhà kế bên thoát ra. Khi anh quay lại cứu những người còn lại thì gạch đá đã che lấp hết cả đường vào.
Trong khi đó, tại bệnh viện Nhân dân 115, suốt đêm qua, người nhà bà Lưu Thị Rép (70 tuổi), ông Phạm Quang Minh (81 tuổi, cùng ngụ số 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) và ông Hồ Sĩ Cường (81 tuổi, ngụ số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) vừa túc trực trước phòng hồi sức khoa ngoại, vừa ngóng tin tức những người thân còn lại ở hiện trường vụ sập nhà. Bà Rép và ông Minh đã qua cơn nguy kịch và đang dần phục hồi sức khỏe. Riêng ông Cường thì không được may mắn như vậy.
Do tuổi cao sức yếu, chịu sức ép từ tiếng nổ bất ngờ và gạch đá đè lên khiến ông nhiều lúc ngừng thở, tưởng chừng không qua khỏi. Anh Trần Minh Thường cứ phải tất bật chạy từ nhà tang lễ nơi có người chị và cháu gái mình tử nạn, lại tới bệnh viện nơi cha mình vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch, chưa biết sống chết ra sao.
Suốt buổi sáng, cứ ít phút lại có người tới nhà tang lễ hỏi thông tin người thân. Vài tiếng lại có một chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi đỗ lại trước cửa. Ai nấy đều giật mình thảng thốt quay ra, ngong ngóng nhìn vào tấm băng ca phủ khăn trắng, bởi không biết bên trong đó là ai, có phải là người thân của mình hay không. Theo dự tính, thi thể những nạn nhân đã nhận dạng sẽ được nhập quan, đưa về chùa Vĩnh Nghiêm (gần hiện trường xảy ra vụ nổ), sau đó sẽ mang đi hỏa táng và gửi tro cốt tại chùa.
Cảnh tượng kinh hoàng Trong số 10 thi thể bị vùi lấp dưới đống đổ nát của vụ nổ, có một số nạn nhân biến dạng, thậm chí bị cháy đen, chỉ còn trơ lại khung xương và cơ quan nội tạng, chưa thể nhận dạng ngay lập tức. Người đi cũng đã đi rồi, chỉ còn người ở lại khóc cạn nước mắt cho những người thân thiết xấu số của mình, tức tưởi ra đi sau một đêm định mệnh. |
Hương Lam - Hương Sen