19 nạn nhân đã thiệt mạng và hàng trăm thợ mỏ may mắn được đưa lên khỏi mặt đất vẫn đang phải điều trị tích cực trong bệnh viện. Nhưng đến lúc này, hậu quả vụ sập mỏ than Tiêu Gia Loan thuộc thành phố khoáng sản Phan Chi Hoa (Trung Quốc) vẫn còn tiếp tục gia tăng. Nhiều phóng viên truyền thông quốc tế cũng đã miêu tả, họ như tan nát cõi lòng khi chứng kiến hàng trăm người thân của các nạn nân còn mắc kẹt đứng trên hầm mỏ sập, vô vọng tìm kiếm thông tin về những người còn mắc kẹt.
Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương đưa người bị nạn đi cấp cứu
Nguồn tin chính thức của đài truyền hình CCTV cho biết khi mỏ than phát nổ, có 154 thợ mỏ đang làm việc. Tính đến hôm qua, 105 người đã được đưa lên khỏi mặt đất và chuyển đến bệnh viện trong thành phố Phan Chi Hoa, thật đau lòng, 3 người đã qua đời tại bệnh viện. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc thông báo, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 15 thi thể trong hầm mỏ và đưa ra ngoài. Qua xét nghiệm, các nạn nhân tử vong do nhiễm độc khí carbon monoxide, loại khí tồn tại rất nhiều trong các khu hầm mỏ, gây chết người cho những người hít phải và không được bảo hộ đầy đủ.
Lực lượng cứu hộ đã khẩn trương tìm kiếm người mắc kẹt còn sống sót trong mỏ ngay trong đêm. Phía trên khu vực hầm mỏ bị sập, hàng trăm thân nhân của các nạn nhân còn kẹt lại thậm chí đã dựng lán trại để ngóng tin. Nhiều người đã khóc ngất, khi biết chồng, anh em của mình còn kẹt lại dưới khu hầm mỏ hoặc đã chết.
Điều đáng nói là trước vụ sập hầm này, các mỏ than tại Trung Quốc đã được nhiều quốc gia cảnh báo nguy cơ vì xây dựng rất yếu kém, không đạt những tiêu chuẩn về an toàn lao động. Tuy nhiên, cảnh báo đó luôn bị gạt sang một bên và các chủ khu mỏ vẫn ép công nhân làm việc trong tình trạng rất nguy hiểm, thiếu các thiết bị đảm bảo an toàn trong lao động.
Những vụ tai nạn tương tự đã xảy ra một cách thường xuyên ở Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, tại mỏ than Tứ Trang, tỉnh Vân Nam, 34 người đã thiệt mạng trong một vụ sập hầm. Theo thống kê con số thiệt mạng trong quá trình khai thác than tại Trung Quốc lên đến hàng nghìn người mỗi năm.
Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ sập mỏ Trung Quốc đã xảy ra, đưa Trung Quốc trở thành đất nước có số lượng hầm mỏ nguy hiểm nhất thế giới về vấn đề quản lý lỏng lẻo, các tiêu chuẩn về độ an toàn thấp. Cơ quan giám sát an toàn của Chính phủ Trung Quốc khẳng định: 1.973 thợ mỏ đã thiệt mạng trong các tai nạn hầm mỏ ở Trung Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ người lao động cho hay, con số này thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
Hiện tại, cảnh sát đang tạm giam chủ sở hữu khu mỏ, nguyên nhân về việc rò rỉ khí gas cũng đang được cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hồng Nhung (theo Reuters)