Cấm người say đi bar, phòng karaoke là vô lý
Mới đây, bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công bố dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao và du lịch để lấy ý kiến của nhân dân. Tinh thần của dự thảo Nghị định sẽ xử phạt nặng hơn với hành vi uống rượu, bán rượu tại quán bar, karaoke, các điểm khiêu vũ công cộng. Theo đó, những địa điểm này để người say rượu vào vui chơi sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng, còn hành vi bán rượu cho khách bị phạt 3-5 triệu đồng. Nếu thực hiện theo đúng quy định và kiểm tra gắt gao thì các cơ sở karaoke, bar sẽ bị phạt hết, bởi chẳng ai đến đây chỉ để… hát và uống nước ngọt. Hơn nữa, các chủ nhà hàng karaoke hay nơi khiêu vũ công cộng… cũng không có đủ thiết bị đo nồng độ cồn để chứng minh được việc người đến quán có uống rượu hay không.
Ảnh minh họa
Hiện nay, dụng cụ xác định người say bia rượu bằng cách đo nồng độ cồn mới chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông, hoặc để xác định người say phải đến những cơ sở y tế thông qua các xét nghiệm máu. Anh T, một quản lý nhà hàng karaoke cho biết: "Với quy định mới này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và khả năng bị phạt là thường xuyên. Bởi lẽ, mọi người đi hát, khiêu vũ sau khi ăn thường uống chút bia, chút rượu thì làm sao chúng tôi phân biệt được. Cứ ngửi thấy mùi bia rượu không cho họ vào thì quán vắng khách chắc cũng phải đóng cửa, còn nếu cứ "liều" phục vụ thượng đế thì bị phạt. Nếu lực lượng chức năng kiểm tra lúc nào cũng có thể bị phạt, như vậy sớm muộn cũng thua lỗ mà bỏ nghề kinh doanh. Hơn nữa, quy định này thật vô lý, với người say rượu từ nơi khác đến sao lại phạt chủ quán?. Quy định cấm không cho bán rượu mà chúng tôi cố tình bán cho khách khi lực lượng kiểm tra bắt được, bị phạt chúng tôi chấp nhận. Hơn nữa, những người say nằng nặc đòi vào quán, không đáp ứng họ chửi bới, gọi anh em, bạn bè đến sinh sự, cũng phiền phức cho chuyện làm ăn".
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, khái niệm về say bia rượu khi đến quán bar, karaoke vẫn chưa có một quy chuẩn thích hợp. Bởi nồng độ cồn trong máu, hay khí thở bao nhiêu thì được xác định là… say. Ví dụ như, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, nồng độ cồn vượt 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt. Vậy đối với người say rượu đi hát ở quán karaoke, đi bar, nồng độ bao nhiêu sẽ bị phạt? Bên cạnh đó, khi dự thảo thực sự có hiệu lực, mỗi tụ điểm karaoke, quán bar, nơi khiêu vũ công cộng sẽ phải trang bị các thiết bị hiện đại để đo "các vị thượng đế" của mình xem có đủ tiêu chuẩn để vào quán không.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Viết Phương cho biết: "Những quy định này về mặt lý thuyết nghe có vẻ ổn, bởi nó hướng đến việc chống lại những tệ nạn xã hội, những hành vi không nghiêm túc khi hát...Thế nhưng về mặt kỹ thuật, tình huống dự thảo chưa đưa ra được khái niệm như thế nào là say, nồng độ cồn trong máu cao bao nhiêu là vi phạm. Có người chỉ một chén rượu hay cốc bia đã không làm chủ được tình huống của mình nhưng có người uống rất nhiều cũng chẳng say thì xử lý thế nào"?
Cũng theo ông Phương, cần phải làm rõ các chế tài xử phạt, cơ quan nào được phép kiểm tra, xử lý và dụng cụ nào có thể giúp lực lượng chức năng cũng như nhân viên của quán karaoke phát hiện người say bia rượu trước khi bước vào quán... Nếu theo quy định này, để bước vào quán karaoke hát, ai cũng phải ngậm mồm vào ống thổi để đo nồng độ cồn như cảnh sát giao thông kiểm tra người vi phạm. Hay tiến bộ hơn, muốn ra vào phải có thẻ quẹt như công nhân viên khi đến phòng hát để xác định giờ này người này ở đây, làm gì để khi xảy ra điều gì có thể quy trách nhiệm luôn được. Và việc phòng hát có rượu, trách nhiệm thuộc về chủ quán, nhân viên trực phòng hay người hát...
Ông Phương nêu quan điểm: "Cấm người say rượu đến quán karaoke cũng là một quy định hết sức vô lý. Theo luật, công dân có quyền đến bất cứ đâu mà luật pháp không cấm, vậy quán karaoke luật pháp không cấm thì họ có quyền đến. Cấm họ đi hát khi say như vậy sẽ liên quan đến quyền công dân của họ. Nếu cấm người say đến quán karaoke chi bằng cấm luôn karaoke cho dễ kiểm soát. Dường như người soạn thảo các quy định cấm này chỉ dựa trên cảm tính là say sẽ có những hành vi gây rối... là sai lầm. Việc gây rối trật tự công cộng cũng đã có chế tài riêng để xử lý riêng rồi".
Cấm uống rượu tại phòng karaoke (Ảnh minh họa)
Khó hiểu đồng nhất nên dễ xử phạt sai
Anh Thành (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Mấy ngày nay, tôi nghe mọi người nói uống rượu ở phòng karaoke là bị phạt mới biết. Rất nhiều người, ngay bản thân tôi cũng thích uống vài chén rượu thì sao lại cấm. Dẫu biết uống rượu, tham gia giao thông là không tốt nhưng chỉ nên cấm với những người quá chén quậy phá lung tung thôi". Anh Thành cũng chia sẻ thêm: "Cấm bán, uống rượu trong quán bar, karaoke chẳng khác gì tuyên bố khai tử loại hình dịch vụ này".
Điều khiến nhiều người băn khoăn chính là việc chỉ cấm uống, bán rượu trong phòng karaoke chứ không cấm bán, uống bia. Nếu hiểu theo nghĩa trực diện, ngoài rượu ra, mọi người có thể thoải mái uống bia. Trong khi đó, bia cũng có thể gây ra tình trạng say sỉn đối với người uống nhiều. Bên cạnh đó, nếu so sánh giữa quy định trong lĩnh vực văn hoá trong dự thảo mới này với quy định của Nghị định về sản xuất, kinh doanh rượu thì có sự không đồng nhất.
Ngoài những quy định trên, trong dự thảo mới có thêm một điểm khiến mọi người "bất ngờ", nếu phòng karaoke có trên một nhân viên phục vụ sẽ bị phạt. Đây là điều nghe có vẻ bất hợp lý bởi việc cung ứng dịch vụ cho khách hàng thường cần nhiều nhân viên để có thể phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, đây lại là điều không hề mới, được quy định rõ ràng trong Nghị định 103/2009. Theo đó mỗi phòng karaoke chỉ được sử dụng một nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính nói trên, phòng karaoke có trên một nhân viên sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng, mức phạt trên tăng dần theo số lượng nhân viên vượt quá quy định. Quy định này xuất phát từ thực tế kiểm tra các quán karaoke có nhiều phức tạp dẫn đến nạn mại dâm trá hình. Nhưng nếu trong phòng có một nhân viên của quán mà có thêm một nhân viên của những nơi chào bán, giới thiệu thuốc lá, bia đến phục vụ thì sẽ như nào?
Một số chuyên gia cho rằng quy định một phòng karaoke chỉ có một nhân viên phục vụ và sẽ xử phạt nếu có hai nhân viên trở lên là quá vô lý. Việc sử dụng dịch vụ, nhiều ít nhân viên là do người sử dụng, có người thích được nhiều người phục vụ, miễn sao họ không có những hành vi trái pháp luật là được. "Nếu cấm thế này cấm luôn ở những nhà tắm công cộng, phòng tắm của nhà hàng, khách sạn không được tắm hai người, đi vệ sinh hai người trở lên để tránh những hành vi: Gây rối, đồng tính, mại dâm...", luật sư Việt Phương nói".
Nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận thấy đã từng có những Nghị định ra đời trong hoàn cảnh chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng về nhiều phương diện nhưng vẫn ban hành. Như vậy, khi triển khai trong thực tế nó sẽ không có hiệu quả, không thiết thực với đời sống. Số phận của Nghị đinh này, rồi cũng "chết yểu" như những quy định cấm đám ma không được có kèn trống, đám ma 7 vòng hoa, ... Điều này tạo thành tâm lý nhờn pháp luật trong nhân dân, còn người làm luật thì thiếu hiểu biết thực tế.
"Bản thân tôi thấy dự thảo Nghị định này vẫn còn nhiều điểm rất bấp bênh: Một nhân viên hay nhiều nhân viên; cấm người say bia rượu đến quán karaoke thì lấy cái gì mà đo... Do vậy, nếu được thông qua Nghị định này cũng khó triển khai trong thực tiễn. Tôi nghĩ rằng, những nhà làm luật phải nghiên cứu kỹ hơn trước khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, bởi một chính sách không thấu đáo sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều người.
Hồng Mây