"Tăng tốc" đào tạo tiến sĩ: Còn cử nhân chăn lợn, tiến sĩ làm vườn không?

"Tăng tốc" đào tạo tiến sĩ: Còn cử nhân chăn lợn, tiến sĩ làm vườn không?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Chủ nhật, 12/11/2017 11:31

Bộ GD&ĐT đang tính đến phương án “tăng tốc” đào tạo 9.000 tiến sĩ cho tương lai. Nhưng chỉ khi đào tạo thực chất, tìm ra người có năng lực, nếu không, tương lai vẫn cứ là cử nhân đi bán cà phê, chăn lợn còn tiến sĩ, nhà khoa học ở nhà làm vườn.

 

Giáo dục - 'Tăng tốc' đào tạo tiến sĩ: Còn cử nhân chăn lợn, tiến sĩ làm vườn không?

Không nên đào tạo tiến sĩ ồ ạt. (Ảnh minh họa).

Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình lên Chính phủ một đề án có tổng kinh phí 12 nghìn tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030.

Đề án này nhằm góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước. Trong đó, có mục tiêu đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ).

Theo lý giải của bộ GD&ĐT, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp (đạt 22,7% - năm 2017) so với một số quốc gia trong khu vực như Sri Lanka (đạt 55% - năm 2015); Thái Lan (đạt 24% - năm 2005); Malaysia (đạt 73% - năm 2010).

Trước nhu cầu có thật của ngành Giáo dục, nhiều chuyên gia cho rằng việc đào tạo tiến sĩ là cần thiết. Muốn công tác nghiên cứu, giảng dạy có hiệu quả trong các trường đại học thì con số 9.000 tiến sĩ và 12.000 tỷ đồng không phải quá “khủng”. Nếu chia bình quân ra cả nghìn trường thì con số đó không nhiều nhưng vấn đề cách tổ chức như thế nào để không “ném tiền qua cửa sổ”.

Điều mà dư luận quan tâm, nguồn kinh phí để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ sẽ lấy ở đâu và một đất nước giỏi có nhất thiết cần nhiều tiến sĩ như vậy?

Nhìn nhận về  đề án “tăng tốc” đào tạo tiến sĩ trên của bộ GD&ĐT, trả lời báo chí, GS.TSKH Dương Đức Tiến, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Tài trí của đất nước là phải phát huy được đa dạng, làm được nhiều việc khiến cho đất nước thay đổi mới là đào tạo tốt. Còn đào tạo tràn lan thì không giải quyết được vấn đề gì, bản thân chúng tôi cũng được đào tạo, hàng loạt các thế hệ tiến sĩ được đào tạo ở Nga, các nước XHCN trước đây, đến nay chúng ta không sử dụng hết”.

GS.TSKH Dương Đức Tiến cũng chia sẻ, mới đây khi gặp lại bạn bè, ai cũng còn ít tuổi, chỉ 60 tuổi, đang thời kỳ sung sức, mà hỏi làm gì, thì ai cũng ở nhà. Như vậy là quá lãng phí, lãng phí sức lực, một người khoa học làm tốt họ có thể nghiên cứu đến 70-80 tuổi, đó là thời kỳ thăng hoa nhất. Như vậy chẳng lãng phí lắm sao?

Thiết nghĩ, trong một đất nước còn nhiều mặt yếu, cần có điều kiện cơ bản để người làm khoa học phát huy thay vì đào tạo ồ ạt, thậm chí đào tạo cả “tiến sĩ giấy”. Chỉ khi đào tạo thực chất, tìm ra người có năng lực, nhiệt tình cống hiến thì mới làm cho đất nước phát triển. Nếu không, tương lai vẫn cứ là cử nhân đi bán cà phê, chăn lợn còn tiến sĩ, nhà khoa học ở nhà làm vườn!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Ngân Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.