Lời tòa soạn: Vốn đầu tư công có tầm quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động lan tỏa thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI.
Giải ngân vốn đầu tư công tốt thì sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, tạo ra việc làm, tạo động lực cho phát triển, mở ra không gian mới như khu công nghiệp, khu dịch vụ..., tăng cường kết nối địa phương, vùng, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Năm 2024 được xem là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, hiện tại tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn chậm so với kế hoạch, nhất là khi cơn bão số 3 (Yagi) quét qua khiến thiệt hại về tài sản sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Người Đưa Tin thực hiện tuyến 3 bài chủ đề "Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công" nhằm nhìn nhận các nguyên nhân cũng như giải pháp then chốt đẩy nhanh tiến độ trong những tháng còn lại của năm 2024.
2024 là năm tăng tốc
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, xác định giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng, là động lực chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều công điện nhằm đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Đồng thời, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập 3 Tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường ven biển, dự án kết nối, có tác động liên vùng tại các địa phương.
Năm 2024, kế hoạch đầu tư vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương là hơn 663.000 tỷ đồng, bao gồm hơn 231.000 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước là 211.458 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỷ đồng) và hơn 432.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Nếu tính chung cả kế hoạch vốn các năm trước được cho phép kéo dài sang là 25.948,7 tỷ đồng thì tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 lên đến 732.155,15 tỷ đồng.
2024 cũng là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Đặc biệt, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế, bù đắp cho suy giảm xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8/2024, giải ngân vốn đầu tư công là 274.501 tỷ đồng, mới đạt 37% tổng kế hoạch, thấp hơn 2,5% so với năm trước và đạt khoảng 40,5% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tỉ lệ giải ngân này dù chưa được như kỳ vọng, song cũng phản ánh đúng xu thế chung về tình hình giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây, thường chậm hơn trong những tháng đầu năm và được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm là rất lớn. Bởi, với tỉ lệ giải ngân của 8 tháng chỉ đạt gần 40,5%, thì vẫn còn 50,5% vốn kế hoạch nữa cần tập trung giải ngân. Kể cả mục tiêu của Chính phủ là giải ngân 95%, thì đây cũng vẫn là một nhiệm vụ khá nặng nề.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, trong 8 tháng, có 9 bộ, cơ quan Trung ương và 32 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao (trên 45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn có 34 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (40,49%).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ giải ngân bình quân chung của khối địa phương thấp hơn trung bình cả nước, trong đó có một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 nhưng có tỉ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng rất lớn tới tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.
Trong số này, đáng chú ý có Tp.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79.300 tỷ đồng, nhưng ước giải ngân 8 tháng đầu năm mới đạt 13.142 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, số vốn giải ngân 8 tháng đầu năm của Tp.HCM giảm khoảng 6.600 tỷ đồng.
Tương tự, Hải Phòng được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 17.000 tỷ đồng, nhưng ước giải ngân 8 tháng đầu năm là 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 2.400 tỷ đồng so với con số của cùng kỳ.
Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Ninh cũng là những địa phương trong diện này. Vốn kế hoạch năm 2024 lớn nhưng giải ngân lại thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu 8 địa phương nêu trên duy trì được số vốn đầu tư công giải ngân tương đương với mức vốn đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023 của chính địa phương đó, thì tổng số vốn giải ngân kế hoạch năm 2024 trong 8 tháng đầu năm cao hơn khoảng 15.600 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng chậm phân bổ kế hoạch vốn, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của một số bộ, ngành, địa phương là do: Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; giảm nhu cầu so với kế hoạch vốn đã giao; chậm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó là vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chưa cân đối đủ nguồn ngân sách đối ứng của địa phương để giao kế hoạch vốn năm 2024; tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa tốt…
Cần sự tự giác, quyết liệt ở các đơn vị, tổ chức
Về bản chất, đầu tư công là tiền của của Nhà nước, của nhân dân, do đó phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1%, thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%; giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài Nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Trên thực tế, đầu tư công trong những năm vừa qua được Chính phủ rất quan tâm và đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo điều hành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Các phiên họp Chính phủ thường kỳ và nhiều cuộc họp Thường trực Chính phủ đều có nội dung về đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trực tiếp kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại công trường và đẩy nhanh tiến độ công trình và giải ngân vốn đầu tư công.
Riêng đối với các dự án đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp 5 lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời chỉ đạo Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng 3 lần trực tiếp làm việc tháo gỡ khó khăn về vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Cùng với đó, duy trì hoạt động của 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ nhiều lần yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân.
"Phải coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Trong lần trả lời báo chí hồi tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương có nói rằng, trong những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện. Nguyên nhân là do các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đã phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Phương, rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế được thực hiện. Đặc biệt, có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành trong thời gian qua áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng.
Giải pháp mà Thứ trưởng cho rằng quan trọng nhất, đó chính là sự tự giác, sự quyết liệt ở các đơn vị, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức, triển khai thi công các công trình.
"Chúng ta thấy được không khí làm việc trên công trường, như Thủ tướng vẫn thường nói là "thi công 3 ca 4 kíp", "vượt nắng mưa"", ông Phương chia sẻ và nói rằng, hầu như những trở ngại thông thường ở các công trường thi công đều có những giải pháp để vượt qua, để làm sao thi công nhanh nhất, tốt nhất và đạt khối lượng cao nhất, từ đó mức vốn giải ngân sẽ tăng theo.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong nâng cao năng lực và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ và các địa phương cần đổi mới, cải tiến công tác lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án đầu tư công trở thành công trình hiệu quả.
Theo ông Lâm, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. "Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên", ông nói.
TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, giải pháp quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giảm bớt thủ tục.
"Nhiều khi vì an toàn, chúng ta phải xin ý kiến tất cả sở, ngành, đơn vị dù không có nội dung gì liên quan đến nhiều sở, ngành được xin ý kiến. Theo tôi, chỉ cần xin ý kiến đơn vị nào thật sự cần thiết và trong công văn phải ghi rõ thời hạn trả lời", TS. Nguyễn Quốc Việt nhìn nhận.
Ai đã bị xử lý trách nhiệm?
Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã nghiêm khắc phê bình 9 huyện, thị xã và 26 đơn vị chủ đầu tư do giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nhất là 4 chủ đầu tư giải ngân 0 đồng, gồm: Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn và Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An.
Một số đơn vị có dự án đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục, không có vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng điểm mặt hàng loạt đơn vị có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 0%; cảnh báo người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng đã ký văn bản nhắc nhở loạt đơn vị về giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải Tp.HCM và UBND quận 6 đã bị nhắc nhở 4 lần. Các đơn vị này được giao tháo gỡ, khó khăn vướng mắc những nội dung kiến nghị, nhưng đến nay chưa xử lý, chưa có văn bản phản hồi, phúc đáp.
Đón đọc >>> Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công - Bài 2: Nỗ lực "tiêu" hết tiền được giao