Câu hỏi: Tôi dùng smartphone Android đã được một thời gian dài rồi, nhưng càng ngày càng thấy nó bị chậm, lag. Vậy tôi muốn nhờ chuyên mục tư vấn giúp tôi là có cách nào làm cho smartphone Android tăng tốc độ mà không cần phần mềm? (Anh Minh Tuấn – Ba Đình – Hà Nội)
Trả lời: Đối với các smartphone Android sau thời gian dài sử dụng, thường có dấu hiệu bị chậm, lag. Giải pháp tối ưu nhất cho hiện tượng này là reset máy hoặc up lại ROM, nhưng sẽ mất hết dữ liệu. Để giúp khắc phục thì bạn có thể tham khảo các cách sau đây:
1. Xóa bỏ những thứ không cần thiết
Bộ nhớ trong của điện thoại sẽ càng lúc càng cạn kiệt khi bạn lưu nhiều hình ảnh, video và cài đặt nhiều ứng dụng. Bộ nhớ trong càng ít, điện thoại sẽ chạy càng chậm. Vì vậy, công việc đơn giản bạn cần làm là rà soát lại những ứng dụng ít sử dụng và xóa chúng khỏi máy.
Nếu điện thoại có thẻ nhớ, hãy chuyển tất cả nhạc, hình ảnh, video sang thẻ nhớ để đảm bảo bộ nhớ trong dư dả nhất có thể.
2. Hạn chế sử dụng widget và hình nền động
Phải công nhận rằng, hệ thống widget chính là linh hồn của Android. Tuy nhiên, với những chiếc smartphone có cấu hình không cao thì bạn không nên “tham lam” khi đặt quá nhiều widget ở màn hình chính, đặc biệt là những widget cập nhật theo thời gian thực như báo notification từ Facebook. Điều này sẽ gây hao pin và khiến cho máy trở nên chậm chạp thấy rõ.
Ngoài ra, hình nền động ban đầu nhìn rất đẹp mắt và thú vị nhưng khi điện thoại còn không kham nổi những ứng dụng thì hình nền động rõ ràng là thứ không cần thiết. Hãy tắt chúng ngay khi có thể!
3. Tắt các hiệu ứng hoạt họa
Các hiệu ứng chuyển trang, bật/tắt ứng dụng giúp bạn bớt nhàm chán khi sử dụng máy, nhưng nếu muốn thiết bị chạy mượt mà thì hãy vô hiệu hóa chúng. Để làm được điều này, bạn vào Setting, chọn mục About và tìm phần Build number. Sau đó, hãy chạm 7 lần vào Build number để vào giao diện dành cho lập trình viên. Trong giao diện này, bạn hãy tắt 3 tùy chọn Window animation scale, Transition animation scale và Animator duration scale, rồi khởi động lại máy.
4. Cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng
Việc cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng là rất cần thiết để cải thiện hiệu năng cho máy. Đồng thời, sửa những lỗi gây hao pin và các vấn đề về bảo mật. Với quá nhiều lợi ích như vậy, còn chần chừ gì nữa mà không kiểm tra và cập nhật ngay cho thiết bị của bạn.
5. Tắt tính năng tự động đồng bộ/sao lưu
Nếu có thể, hãy tắt tính năng tự động đồng bộ trong các ứng dụng như Google Drive, Dropbox hay đồng bộ tin nhắn, danh bạ,…Những ứng dụng này thường tiến hành đồng bộ sau mỗi 30 phút hoặc 1 giờ. Vậy nên, hãy tắt tính năng này hoặc điều chỉnh tự động đồng bộ mỗi ngày 1 lần vì không phải lúc nào bạn cũng có các file, danh dạ mới cần đưa lên “mây”.
6. Root máy và sử dụng ROM cook
Sử dụng smartphone Android, việc root máy là điều mà trước sau gì bạn cũng phải làm. Root máy và cài ROM cook sẽ giúp bạn xóa được những ứng dụng mặc định theo máy và tối ưu hiệu năng nhờ các tùy chỉnh sâu bên trong hệ thống. Tuy nhiên, hãy tìm sự trợ giúp ở những người có kinh nghiệm, nếu bạn không muốn thiết bị của mình trở thành “cục chặn giấy”.
Nguồn: Thegioididong.com
Chi Phan