Tăng trần giá vé máy bay, du lịch nội địa lo ngại vắng khách

Tăng trần giá vé máy bay, du lịch nội địa lo ngại vắng khách

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 6, 23/02/2024 18:33

Giá trần vé máy bay tăng khiến các doanh nghiệp lữ hành lo ngại du lịch nội địa vắng khách.

Giá vé đẩy giá tour tăng

Theo VTV, theo Thông tư 34 của Bộ GTVT, kể từ ngày 1/3 tới sẽ tăng trần giá vé máy bay nội địa.

Cụ thể, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Theo rà soát của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), việc đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao.

Số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á hồi tháng 6/2023 là 85,4 USD/thùng. 

Xu hướng thị trường - Tăng trần giá vé máy bay, du lịch nội địa lo ngại vắng khách

Giá trần vé máy bay tăng khiến các doanh nghiệp lữ hành lo ngại du lịch nội địa vắng khách. Ảnh minh họa từ internet 

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,1% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 8/2015. 

Theo Vietnam Airlines, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.

Cùng với đó, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. Tỷ giá tăng 6,6% từ năm 2015 đến năm 2022 (tăng bình quân từ 21.900 VND/USD lên 23.350 VND/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%.

Do đó, chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).

Thông tin từ Kinh tế & Đô thị, thông tin từ các doanh nghiệp du lịch cho thấy, việc vé máy bay tăng giá sẽ ảnh hưởng đến tour nội địa trong việc thu hút khách. Theo Tổng Giám đốc Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, khách du lịch thuộc nhóm đối tượng "nhạy cảm về giá”, điều này thể hiện rõ qua tình trạng "khan khách" của du lịch Phú Quốc và nhiều điểm đến nội địa trong suốt những kỳ nghỉ lễ, Tết của năm 2023. Hiện tượng này có thể tái diễn trong năm 2024 sau khi giá vé máy bay tăng.

Hiện, giá vé máy bay chiếm 40 - 60% cơ cấu giá tour du lịch. Vì vậy, việc giá vé máy bay tăng cao buộc các công ty lữ hành phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa 10 - 20% làm giảm sức hút của thị trường, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt trong việc thu hút khách quốc tế.  Như vậy có thể nói việc tăng giá vé máy bay sẽ gây tác động lớn đến các hãng lữ hành, từ đó ảnh hưởng nhiều việc kích cầu du lịch nội địa.

“Khảo sát tại các đại lý vé máy bay, chặng Hà Nội - Phú Quốc trong tháng 6/2024 tăng từ 1,3 triệu đồng lên 2,2 triệu đồng; chặng Hà Nội - Nha Trang tăng từ 1,1 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng”- ông Đạt nêu ví dụ.

Tương tự, Giám đốc Công ty du lịch Anhduong Tour Nguyễn Tuấn Anh thông tin, giá vé máy bay chiếm 30-40% chi phí sản phẩm tour, combo du lịch. Với việc tăng giá trần, chi phí này chiếm tới 50-60% tổng giá tour, khiến khách e dè khi mua tour di chuyển bằng đường hàng không.

Thách thức với ngành du lịch

Tổng Giám đốc Du lịch Việt Phạm Phương Anh thông tin, giá vé máy bay tăng đang là một thách thức đối với ngành du lịch. Đặc biệt, trong mùa thấp điểm khi có thể làm giảm sức hấp dẫn của du lịch nội địa khiến thị trường trong nước đói khách, các địa phương sẽ là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia du lịch việc giá vé máy bay nội địa tăng kéo theo giá tour tăng hơn 10- 15% khiến khách du lịch sẽ "cân đong đo đếm" nhiều hơn giữa tour nội địa và tour nước ngoài.

Giám đốc Truyền thông & Marketing Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn thông tin, giá tour cao hay thấp phụ thuộc vào mức giá của các dịch vụ từ hàng không đến ô tô, tàu thủy, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan... “Trong tất cả các dịch vụ, tác động của giá vé máy bay có ảnh hưởng rất lớn, chỉ một điều chỉnh nhỏ cũng có thể làm cho du khách thay đổi thay đổi kế hoạch, hoặc đi hoặc không đi, hoặc chuyển sang lựa chọn khác. Trong suy nghĩ thường trực của nhiều người đi du lịch nước ngoài với giá tương đương tour nội địa lại nhưng sang chảnh hơn. Đây là áp lực rất lớn với các doanh nghiệp lữ hành” - ông Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.

Thông tin từ doanh nghiệp du lịch cho thấy, kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn vừa qua, việc giá vé nội địa tăng quá cao khiến nhiều người dân quyết định hủy kế hoạch đi du lịch trong nước. Thay vào đó, các tour xuất ngoại trọn gói tới Thái Lan, Malaysia… với chi phí chỉ bằng giá vé máy bay khứ hồi của một số chặng bay nội địa cùng thời điểm đã trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách.

Giám đốc Công ty CP  Quốc tế Vina Group Trần Thanh Vũ chia sẻ, nếu xét về tính hấp dẫn, các điểm đến như Thái Lan, Indonesia… chưa chắc đã bằng Việt Nam, song giá vé máy bay là cản trở rất lớn. Nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi nhưng khi thấy tour nội dù nhiều trải nghiệm hơn tour tới Đông Nam Á nhưng sau khi so sánh, đối chiếu giá tour trong nước với quốc tế họ chọn đi Thái Lan, Singapore. Việc khách chuyển hướng tiêu dùng mua tour ngoại, hạn chế sử dụng tour nội mặc dù đã khiến công ty vẫn đạt doanh số theo kế hoạch, nhưng làm giảm sức hút của thị trường nội địa, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt trong việc thu hút khách quốc tế.

Để tour nội địa không lép vế trước tour ngoại các chuyên gia du lịch cho rằng, ngành hàng không nên phối hợp với đại lý vé máy bay tung ra các loại vé khuyến mại cho hành khách mua sớm và các gói combo, từ đó khuyến khích hành khách có kế hoạch sớm mua vé nhằm tiết kiệm chi phí và thêm nhiều lựa chọn.

Hiến kế để tour nội hút khách, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Đỗ Đình Cương đề xuất các hàng không liên kết với  doanh nghiệp lữ hành cũng bỏ kinh phí giảm giá dịch vụ, qua đó không tăng giá tour, hỗ trợ ngành hàng không không phải giảm giá vé quá nhiều.

Đối với các đường bay không có chuyến bay thương mại, ngành hàng không khích lệ doanh nghiệp lữ hành thuê bao nguyên chuyến, qua đó đa dạng sản phẩm, thêm lựa chọn mới lạ hơn cho du khách. Việc làm này sẽ khiến các bên cùng có lợi.

Đào Vũ (T/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.