Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ vẫn “kiên cường” ở mức 5% trong năm nay, nhờ dữ liệu quý I/2024 khả quan và các biện pháp chính sách gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm 28/5 sau khi nhóm chuyên gia của tổ chức này kết thúc chuyến thăm tới quốc gia Đông Á.
Dự báo mới nhất phản ánh mức điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF công bố vào tháng 4. Tổ chức cho vay lớn nhất thế giới dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4,5% vào năm 2025, cũng là mức điều chỉnh cao hơn 0,4 điểm phần trăm, nhóm chuyên gia của IMF cho biết trong những phát hiện sơ bộ được đưa ra vào cuối chuyến thăm tham vấn (diễn ra từ ngày 16-28/5).
Việc tham vấn, dựa trên Điều IV trong các Điều khoản Thỏa thuận của IMF, thường bao gồm các cuộc thảo luận song phương giữa IMF và một thành viên để đánh giá sức khỏe kinh tế và rủi ro tài chính của thành viên đó.
“Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua rất đáng chú ý, được thúc đẩy bởi những cải cách theo định hướng thị trường, tự do hóa thương mại và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath cho biết trong một tuyên bố.
Bà Gopinath đã tham gia các cuộc thảo luận chính sách và gặp gỡ các quan chức chính phủ và ngân hàng Trung Quốc trong quá trình tham vấn. Theo vị quan chức IMF, những thành tựu vừa đạt được của Trung Quốc đi kèm với “sự mất cân bằng và khả năng dễ bị tổn thương ngày càng tăng”, đồng thời xuất hiện những “cơn gió ngược” đối với tăng trưởng.
“Nhận thức được những thách thức này, các cơ quan chức năng đã tập trung vào việc đạt được mức tăng trưởng chất lượng cao bằng cách hỗ trợ đổi mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực xanh và công nghệ cao, nâng cấp các quy định trong lĩnh vực tài chính và đưa ra một số chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro về tài sản và chính quyền địa phương”, bà Gopinath nói.
Vị quan chức IMF cũng khuyến nghị rằng một cách tiếp cận chính sách toàn diện và cân bằng hơn sẽ giúp Trung Quốc vượt qua những “cơn gió ngược” mà nền kinh tế này đang phải đối mặt.
Tổ chức này cho biết trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống còn 3,3% vào năm 2029 do dân số già đi và tăng trưởng năng suất chậm hơn. Hơn nữa, rủi ro đối với tăng trưởng có xu hướng tăng, bao gồm việc điều chỉnh lớn hơn hoặc kéo dài hơn dự kiến đối với lĩnh vực bất động sản và áp lực phân mảnh ngày càng tăng, theo tuyên bố của IMF.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến với tốc độ 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I/2024, cao hơn dự báo của các nhà phân tích về mức tăng 4,6% trong cuộc thăm dò của Reuters và tăng so với mức 5,2% trong quý trước đó (quý IV/2023).
Một loạt các chỉ số kinh tế gần đây trong tháng 4 năm nay, bao gồm sản lượng nhà máy, thương mại và giá tiêu dùng cho thấy nền kinh tế trị giá 18,6 nghìn tỷ USD đã vượt qua thành công một số rủi ro suy thoái trong ngắn hạn, nhưng các nhà quan sát Trung Quốc cho biết vẫn chưa rõ liệu đà phục hồi có bền vững hay không.
Tuy nhiên, sau kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024 của Trung Quốc, một nhóm các tổ chức như Goldman Sachs, Citigroup và Bank of America đều đã nâng triển vọng tăng trưởng GDP cả năm của nền kinh tế số 2 thế giới lên 5%.
Minh Đức (Theo China Daily, Reuters)