Trong khi phần còn lại của thế giới đang vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày một leo thang, Trung Quốc lại phải đối mặt với vấn đề ngược lại, đó là giá cả giảm.
Hồi tháng 7, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chính thức rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên sau 2 năm do giá tiêu dùng giảm 0,3%, đi ngược lại xu hướng tăng giá toàn cầu đối với mọi thứ, từ năng lượng đến thực phẩm.
Mặc dù giá thấp hơn nghe có vẻ hấp dẫn đối với người tiêu dùng bình thường, nhưng các nhà kinh tế coi giảm phát là một dấu hiệu xấu cho nền kinh tế. Giá giảm trong một thời gian dài, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng giảm chi tiêu và các công ty cắt giảm sản xuất, dẫn đến sa thải nhân viên và giảm lương.
Nền kinh tế Trung Quốc trượt vào giảm phát là dấu hiệu mới nhất trong một loạt các dấu hiệu cảnh báo làm dấy lên nghi ngờ về sức mạnh phục hồi sau đại dịch của nước này.
Tăng trưởng mờ nhạt
Trước đây, Trung Quốc đã từng rơi vào tình trạng giảm phát, nhưng các nhà kinh tế lo ngại hơn về sự sụt giảm giá lần này. Lần cuối cùng giá giảm là vào đầu năm 2021, khi hàng triệu người bị phong tỏa và các nhà máy phải đóng cửa do các hạn chế về Covid.
Trung Quốc hiện được cho là đang trên đà phục hồi sau khi dỡ bỏ các biện pháp zero Covid vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, cho đến nay, sự phục hồi của Trung Quốc vẫn còn mờ nhạt.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã phục hồi từ mức thấp trong thời kỳ đại dịch, một số ngân hàng đầu tư đã hạ triển vọng của Trung Quốc vào năm 2023 do lo ngại nước này không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% nếu không có các biện pháp kích thích lớn.
Ở trong nước, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn thận trọng trong việc chi tiêu sau khi phải chịu đựng các đợt phong tỏa mệt mỏi, tước đi cơ hội thúc đẩy tiêu dùng quan trọng của nền kinh tế.
Ở nước ngoài, các quốc gia đang nhập khẩu ít hơn từ các nhà máy của Trung Quốc trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn và căng thẳng địa chính trị ngày một gia tăng.
Mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã phục hồi sau thời gian tạm lắng vì đại dịch, nhưng nó vẫn chưa đạt mức tăng trưởng 2 con số như đầu những năm 2000.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước vô vàn thách thức như tỉ lệ sinh thấp kỷ lục, thương mại quốc tế suy giảm, dư nợ của chính quyền địa phương cao, thị trường bất động sản đi xuống, v.v. Đầu tháng 8, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không còn công bố dữ liệu về thanh niên thất nghiệp sau khi tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi lên tới 20%.
“Trung Quốc cần một cái gì đó mới giúp tăng thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình, đồng thời chuyển các nguồn lực ra khỏi khu vực nhà nước và đầu tư sang khu vực tiêu dùng”, theo ông George Magnus, một cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Oxford.
Mục tiêu khiêm tốn
Giữa lúc Trung Quốc lao đao vì giá cả sụt giảm, thì Mỹ - cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, lại “đau đầu” vì lạm phát.
Mỹ đã phải vật lộn với giá tiêu dùng tăng trong 18 tháng qua, và chỉ số lạm phát nước này hồi tháng 7 vẫn ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đặt ra.
Mặc dù Trung Quốc đặt mục tiêu chính thức là 5% cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay, nhưng đó là mức tăng hàng năm so với năm 2022, một năm mà hoạt động kinh tế bị hạn chế nghiêm trọng bởi các quy tắc “zero Covid”.
Các nhà kinh tế của Bloomberg cho rằng con số 5% này chỉ tương đương với 3% trong điều kiện bình thường, và không cao hơn nhiều so với mức 2,5% mà JPMorgan hiện dự đoán cho nền kinh tế Mỹ. Tốc độ tăng trưởng này không phù hợp với một quốc gia từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước đại dịch.
Các vấn đề về kinh tế Trung Quốc có thể là kết quả của chính sách zero Covid. Phản ứng nghiêm ngặt của quốc gia này đối với đại dịch, bao gồm việc phong tỏa hàng loạt và kiểm soát biên giới, có thể cứu được nhiều mạng sống hơn so với những nỗ lực ở Mỹ và các nơi khác, nhưng nó để lại dư âm kinh tế tồi tệ hơn nhiều.
Chuyên gia chính sách kinh tế Mỹ Adam Posen cho rằng những gì đang diễn ra ở Trung Quốc chính là “sự kết thúc của phép màu kinh tế Trung Quốc”. Theo ông Posen, chính các quy tắc kiểm soát Covid nghiêm ngặt đã khiến người dân lo ngại về tình hình kinh tế của đất nước, do đó tích trữ nhiều hơn dù lãi suất thấp, dẫn đến giảm phát.
Các nhà kinh tế cũng đã theo dõi sự sụt giảm lớn trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Đây có thể là hệ quả của các biện pháp hạn chế Covid-19, cũng là kết quả của cuộc chiến thương mại do chính quyền Mỹ khởi xướng chống lại Bắc Kinh.
Triển vọng phục hồi
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc đã khiến một số nhà quan sát nhớ lại những khó khăn mà Nhật Bản phải đối mặt vào đầu những năm 1990, khi sự sụp đổ của bong bóng tài sản khổng lồ dẫn đến một chu kỳ giảm phát và tăng trưởng trì trệ kéo dài hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, Trung Quốc có một số lợi thế so với Nhật Bản trong những năm 1990.
Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng nước này không giàu bằng Nhật Bản vào thời điểm khủng hoảng kinh tế và với tư cách là một quốc gia có thu nhập trung bình, nước này còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho rằng tình hình 2 nước khá giống nhau, nhưng điểm khác biệt là Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng”.
“Dù khó đạt được mức tăng trưởng 5%, nhưng ít nhất Trung Quốc cũng không tăng trưởng âm giống như Nhật Bản vào thời điểm đó”, bà cho biết.
Bà Garcia-Herrero cho biết, lãi suất ở Trung Quốc cũng cao hơn nhiều so với lãi suất ở Nhật Bản vào thời điểm xảy ra khủng hoảng, có nghĩa là Ngân hàng Trung Quốc vẫn còn cơ hội điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.
Hôm 21/8, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cho các khoản vay kỳ hạn một năm từ 3,55% xuống 3,45% nhằm hỗ trợ cho hoạt động cho vay doanh nghiệp.
Ông Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics cho biết, Bắc Kinh vẫn có thể tung ra nhiều hỗ trợ hơn cho nền kinh tế, nhưng một gói kích thích lớn khó có thể xảy ra vì họ muốn nhắm mục tiêu hỗ trợ vào các nhà sản xuất hơn là người tiêu dùng.
Theo ông Beddor, giá tiêu dùng của Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối năm nay nếu niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện, và yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến niềm tin của người tiêu dùng chính là hoạt động hiệu quả của nền kinh tế.
“Nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trở lại mức 6-7%, niềm tin của các hộ gia đình sẽ phục hồi”, ông khẳng định.
Nguyễn Tuyết (Theo Al Jazeera, Washington Post)