Theo báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group; HoSE: PAN) doanh thu thuần của công ty đạt 3.906 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù trong quý ghi nhận mức tăng đến từ giá vốn hàng bán nhưng lợi nhuận gộp của PAN Group vẫn tăng 26%, đạt 894 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ đạt 95,7 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với quý IV/2021.
Trong quý IV/2022, PAN Group phát sinh thêm nhiều khoản chi phí liên quan đến tài chính và bán hàng. Cụ thể, chi phí tài chính là 115 tỷ đồng và chi phí bán hàng là 385 tỷ đồng, tăng lần lượt 53% và 128% so với cùng kỳ.
Trái lại, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty giảm nhẹ, tiết giảm từ 320 tỷ đồng trong quý IV/2021 xuống chỉ còn 213 tỷ đồng trong quý IV/2022, tương đương giảm 33%.
Sau khi trừ các chi phí, PAN Group báo lãi 243,8 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế năm 2022, PAN ghi nhận doanh thu đạt 13.662 tỷ đồng, tăng 47,7%. Sau thuế, công ty báo lãi 774 tỷ đồng với mức tăng trưởng 51% so với năm 2021.
Theo thông tin công bố từ PAN Group, tăng trưởng nội tại ở các mảng kinh doanh chính bao gồm thủy sản (tăng 15%), bánh kẹo (tăng 47%), hạt và nước mắm (tăng 20%).
Cơ cấu doanh thu theo mảng kinh doanh chính cho cả năm 2022 – mảng thủy sản đóng góp 6.300 tỷ đồng, mảng nông nghiệp đóng góp 4.900 tỷ đồng, thực phẩm đóng góp 2.400 tỷ đồng.
Năm 2022, PAN đề ra kế hoạch doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận và sát nút kế hoạch doanh thu với 99% kế hoạch.
Xét về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổng tài sản của công ty tại ngày 31/12/2022 là 16.054 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với đầu năm với tài sản ngắn hạn chiếm 64% cơ cấu. Đáng chú ý, trong năm công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán gần 3,2 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ khoảng 1,8 tỷ đồng.
Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối năm 2022 là 3.041 tỷ đồng, tăng 20%. Tăng phần lớn đến từ giá thành phẩm, nguyên vật liệu, hàng hoá và hàng mua đang đi trên đường. Bên cạnh đó, tại ngày cuối năm công ty ghi nhận thêm khoản đầu tư trị giá 39 tỷ đồng vào công ty cổ phần Atani Holdings trong khi đầu năm không ghi nhận.
Dư nợ phải trả đến cuối năm của PAN là 8.204 tỷ đồng, tăng 8,2%. Trong đó, vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn tăng 33% so với đầu năm, đạt 5.120 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản vay nợ và thuê tài chính dài hạn lại được cải thiện, giảm mạnh từ 1.152 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 4 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022.
Công ty cho biết, với tình hình thị trường chung năm 2023 được dự báo còn nhiều thách thức, đặc biệt trong nửa đầu năm, PAN tập trung mọi nguồn lực ở các mảng kinh doanh mũi nhọn nhằm đảm bảo mức tăng trưởng bền vững. Ở mảng thủy sản, diện tích ao nuôi hơn 500ha và các nhà máy mới ở điều kiện sẵn sàng sản xuất sẽ là cơ sở để tăng trưởng về sản lượng trong điều kiện thị trường được dự đoán phục hồi vào nửa cuối năm 2023.