Tín dụng bất động sản tăng
Thống kê của Tuổi Trẻ Online dựa trên báo cáo tài chính (BCTC) quý 1/2024 từ 11 ngân hàng có thuyết minh vay theo ngành, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đạt khoảng 630.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.
BCTC hợp nhất quý 1/2024 cho thấy dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank (TCB) cuối tháng 3/2024 đạt 194.073 tỷ đồng, tăng 17.270 tỷ đồng (tương ứng 9,7%) so với cuối 2023.
Tăng giải ngân, tỉ trọng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ Techcombank cũng tăng tương ứng từ 35,21% lên 35,98%.
Dư nợ này chỉ phản ánh khoản vay khách hàng tổ chức, chưa gộp vay cá nhân mua bất động sản vốn cũng chiếm rất lớn tại TCB.
Tính chung tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank cuối quý 1/2023 đạt 559.276 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8% so với đầu năm (tương ứng hơn 40.600 tỷ đồng). Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng tín dụng đến từ cho vay bất động sản.
MBBank cũng thuộc nhóm ngân hàng tăng cho vay vào địa ốc khi cuối quý 1/2024, cho vay kinh doanh bất động sản đạt 45.267 tỷ đồng, tăng 4,6% (hơn 2.000 tỉ đồng) so với cuối năm ngoái.
Trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng đạt 615.316 tỷ đồng, tức chỉ tăng 0,7% (hơn 4.200 tỷ đồng). Như vậy, tăng trưởng tín dụng của MBBank đóng góp gần một nửa nhờ bất động sản.
Còn tại VPBank (VPB), tín dụng hợp nhất tăng 2,1% so với đầu năm, đạt gần 613.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 582.691 tỷ đồng, tăng hơn 16.400 tỷ đồng.
Nếu gộp cả cho vay kinh doanh bất động sản lẫn cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở thì VPBank có dư nợ hơn 207.500 tỷ đồng ở cuối quý 1/2024, tăng hơn 6.820 tỷ đồng.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn, song cho vay lĩnh vực này vẫn rất nhiều tiềm năng.
Dẫn số liệu từ NHNN, Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết tháng 2/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng, tăng gần 2% so với cuối 2023.
Kỳ vọng khởi sắc nhờ dòng vốn
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, thông tin từ Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, để quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá, nguồn vốn vẫn là khó khăn “đeo bám” doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, nguồn vốn tín dụng vẫn là kênh chủ đạo để các doanh nghiệp nhìn vào phục vụ hoạt động kinh doanh, bởi các kênh huy động khác đều đang gặp khó.
Hiện tại, Chính phủ đã đưa ra nhiều hỗ trợ về lãi suất và pháp lý, do đó các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu, định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp hơn trước xu hướng của thị trường và hành lang pháp lý mới.
Tín dụng tăng trưởng trong quý 1 của năm cũng cho thấy niềm tin vào thị trường bất động sản đã phần nào phục hồi. Các quy định mới liên quan tới bất động sản quan trọng đã được thông qua, dù chưa đến thời điểm áp dụng tuy nhiên đã hỗ trợ tâm lý thị trường.
Rủi ro thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm bớt khi nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ. Các doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi sẽ là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, dự án đủ điều kiện mở bán, phục vụ nhu cầu ở thực.
Đào Vũ (T/h)