Tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 15,08%

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguyễn Thị Thu Hương

Thứ 3, 07/01/2025 15:24

Chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16%, Phó Thống đốc NHNN cho biết mục tiêu trên hướng đến mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, an toàn kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% không phải bắt buộc

Chiều 7/1, tại họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm, các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu.

Kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. So với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn FDI.

Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở lớn nên gặp nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, lãi suất USD quốc tế giảm nhưng vẫn ở mặt bằng cao và tương quan kinh tế Mỹ với các nền kinh tế khiến đồng USD sẽ vẫn diễn biến phức tạp, tạo ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 15,08%- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin về các kết quả đạt được tại họp báo.

Trước những thách thức và cơ hội đó, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế;

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD.

Phó Thống đốc thông tin, tính bình quân năm 2024, lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,71% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,9% so với đầu năm 2024. Tại các NHTM, lãi suất trung bình đã giảm gần 1%.

Trong điều hành tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2024, NHNN đã thực hiện 02 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024.

Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng; tăng trưởng tín dụng an toàn, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Với các giải pháp của NHNN, tính đến ngày 31/12/2024, tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 15,08 % so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tổng dư nợ đạt 15,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2024, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm 2,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế.

Năm 2025, NHNN dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, ông Tú chia sẻ: "Mục tiêu trên chỉ mang tính định hướng chứ không phải bắt buộc. Con số đưa ra hướng đến mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, an toàn kinh tế. Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng giúp NHNN điều hành cho phù hợp, cân đối dòng vốn giữa các lĩnh vực, phù hợp với mức độ kiểm soát lạm phát, quản lý ngân hàng thương mại, để đảm bảo không tăng trưởng nóng dẫn đến chất lượng tín dụng thấp".

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản…

Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng,mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Ông Tú cho biết, NHNN coi việc sử đổi Nghị định 24 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đáp ứng nhu cầu quản lý. Tuy nhiên cần sự nghiên cứu thấu đáo từ nhiều cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người kinh doanh vàng và người mua.

Thứ sáu, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Sớm trình phương án tái cơ cấu SCB

Đáng chú ý, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng CBBank và OceanBank cho 2 ông lớn Vietcombank và MBBank.

Nhà điều hành cho biết, đơn vị này đang trình Chính phủ phê duyệt chuyển giao Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).Trước đó, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã công bố các quyết định chuyển giao.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CBBank); Ngân hàng Quân đội (MBBank) nhận chuyển nhượng bắt buộc đối với Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 15,08%- Ảnh 2.

Toàn cảnh họp báo.

Phó Thống đốc cho biết: "Nếu được thông qua, Ngân hàng Nhà nước mong muốn hoàn tất chuyển giao trước Tết Âm lịch để hoàn thành kế hoạch chuyển giao 4 ngân hàng đã đặt ra".

Ngoài ra, riêng với Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp theo quy định, duy trì ổn định đảm bảo tiền gửi, tiền tiết kiệm của người dân đến hạn. Đồng thời, xử lý những tồn tại, yếu kém, vi phạm trước đây, phối hợp cùng các cơ quan chức năng đảm bảo nguyên tắc, quy định pháp luật để xử lý những sai phạm của các cá nhân gây ra những thiệt hại cho ngân hàng.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình phương án xây dựng tái cơ cấu tích cực đối với SCB sớm nhất để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.