Vừa qua, khi đóng góp ý kiến phục vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhiều người cho rằng cần tăng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm hướng tới quyền trẻ em được bảo hộ nhiều hơn. Tuy nhiên đề xuất này đang khiến người nhiều lo lắng về những hệ lụy khó lường của nó, cũng như những bất cập từ thực tiễn cuộc sống và sự đồng nhất giữa các văn bản pháp luật.
Sẽ có nhiều trẻ em phạm tội và nhiều tội phạm liên quan đến trẻ em
Giả thiết đề xuất tăng tuổi làm trẻ em lên dưới 18 được chấp thuận thì Bộ luật hình sự cũng phải sửa đổi một số điều liên quan đến trẻ em phạm tội cũng như phạm tội liên quan đến trẻ em. Đơn cử đối với tội hiếp dâm trẻ em thì nạn nhân của hành vi này phải là trẻ em (từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi) nếu nâng độ tuổi trẻ em lên đến dưới 18 tuổi thì sẽ có thêm nhiều người mắc phải loại tội phạm này. Đặc biệt Bộ luật hình sự có hàng loạt quy định ở khung tặng năng nếu hành vi phạm tội liên quan đến trẻ em. Do đó việc điều chỉnh tăng tuổi trẻ em lên như đề xuất sẽ khiến căn cứ định tội danh, định khung của nhiều tội phạm thay đổi.
Tăng độ tuổi làm trẻ em sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu
Điều đáng nói việc điều chỉnh độ tuổi làm trẻ em này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong việc phân hóa độ tuổi chịu trách hình sự. Bộ luật hình sự hiện hành quy định : “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.”
Trường hợp tuổi làm trẻ em được điều chỉnh lên dưới 18 tuổi thì không lẽ “trẻ em” vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm? hay phải điều chỉnh quy định Luật hình sự để phù hợp với Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ án Lê Văn Luyện thảm sát cả gia đình tiệm vàng ở Bắc Giang khiến 3 người chết trong đó có một trẻ nhỏ. Vụ án đã gây chấn động dư luận, khiến nhiều người phẫn nộ, trong khi người gây thủ ác, Lê Văn Luyện do thiếu mấy ngày mới đủ 18 tuổi nên chỉ bị xét xử tổng cộng 18 năm tù cho hai tội danh giết người và cướp của. Đề xuất tăng độ tuổi làm trẻ em lên dưới 18 tuổi một lần nữa cứa vào nỗi đau của những nạn nhân, thân nhân của nạn nhân bị những hành vi phạm tội dã man mà chủ thể gây án do thiếu tuổi mà chưa bị trừng trị thích đáng.
Tình hình thực tế cũng cho thấy người chưa đủ 18 tuổi phạm tội ngày càng nhiều và tính chất, mức độ cũng ngày càng phức tạp. Nên đã có không ít đề xuất về việc thay đổi cách tính tuổi người thành niên, nhằm răn đe và xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội. Cho nên việc đề xuất tăng tuổi làm trẻ em lên dưới 18 tuổi có thể sẽ khiến nhiều người trong độ tuổi trẻ em phạm tội và nhiều tội phạm liên quan đến trẻ em "bùng phát".
Không có “phân khúc” giữa trẻ em và người thành niên
Nếu như người đủ 18 tuổi có quyền bầu cử, nữ bước sang 18 tuổi có quyền kết hôn, nam nữ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (không xét đến các trường hợp bị mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi) thì với đề xuất dưới 18 tuổi là trẻ em thì sẽ không còn “phân khúc” nào giữa trẻ em và người thành niên.
Điều đó cũng có nghĩa là hết tuổi làm trẻ em thì có quyền bầu cử, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, chứ không có giai đoạn “người chưa thành niên” nữa. Thậm chí nếu theo đề xuất này thì trẻ em cũng có quyền lấy chồng. Bởi lẽ Luật hôn nhân và gia đình hiện hành thì nữ bước sang tuổi 18 có quyền kết hôn. Như vậy sẽ có nhiều trường hợp nữ bước sang tuổi 18 được kết hôn, nhưng vẫn chưa hết tuổi làm trẻ em do chưa đủ 18 tuổi.
Trong khi Luật hôn nhân và gia đình đang lấy ý kiến đóng góp trước “kỳ” sửa đổi có không ít ý kiến đề nghị giảm độ tuổi kết hôn thì việc đề xuất tăng tuổi làm trẻ em này có vẻ như lại mâu thuẫn và đi ngược lại với Luật hôn nhân và gia đình.
Thiết nghĩ, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất tăng tuổi làm trẻ em lên dưới 18. Bởi có thể từ việc áp dụng đề xuất này sẽ tạo ra không ít những hệ lụy xấu cũng như những thay đổi cơ bản trong hệ thống pháp luật đã có từ trước đến nay.
Băng Tâm