Theo đó, ở Hà Nội sẽ bố trí 68 xe buýt trực dự phòng tăng cường giải tỏa hành khách trước và sau Tết.
Trong tuần cao điểm phục vụ Tết, xe buýt sẽ mở bến sớm hơn, từ 4 giờ 35 phút thay vì 5 giờ sáng như trước và đóng bến muộn hơn vào thời điểm 22 giờ 30 và tần suất chạy xe cũng ngắn hơn trung bình (10-15 phút/chuyến).
Riêng ngày mùng 1 Tết, chuyến buýt đầu tiên sẽ khởi chạy lúc 10 giờ và kết thúc lúc 19 giờ.
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tăng tần suất phục vụ trong khung giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ-9 giờ, chiều từ 16 giờ 30-19 giờ 30) tại 17 tuyến buýt đang hoạt động trên 5 trục chính gồm Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Quốc lộ 1A cũ, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng đồng thời, tăng số lượt phục vụ của 6 tuyến buýt nhanh hiện tại (02, 16, 39, 28, 27, 32 ) lên thành 37 lượt/ngày.
Tổ chức thêm xe buýt nhanh trên 6 tuyến khi phát sinh nhu cầu gồm tuyến số 01, 19, 20, 22, 34, 38 với 97 lượt/ngày.
UBND TP Hà Nội cũng lưu ý phải tăng cường xe buýt tại những tuyến đường cấm taxi hoạt động để tránh nguy cơ bùng nổ các phương tiện cá nhân.
Đây cũng là động thái tăng phương tiện giao thông công cộng đầu tiên của TP Hà Nội kể từ khi chính thức thông báo sẽ đổi giờ học, giờ làm việc. Tất cả các giải pháp đưa ra đều nhằm giảm phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm để góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Muốn giảm phương tiện giao thông cá nhân thì trước hết cần có phương tiện thay thế cho người dân chứ không thể bó chân người dân không tạo điều kiện cho nhu cầu di chuyển của người dân.
Một khi người dân cảm thấy thuận lợi với phương tiện giao thông công cộng thì tự khắc họ sẽ chuyển dần không sử dụng phương tiện cá nhân nhiều nữa.
Bởi thế, động thái tăng phương tiện giao thông công cộng này của TP Hà Nội nên duy trì và phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Nhưng việc tăng phương tiện phải đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ.
Theo phản ánh của người dân, nhiều tài xế xe buýt chạy xe rất ẩu, phụ xe thì có những thái độ "hành" khách. Nhưng điển hình nhất vẫn là tình trạng chen chúc chật kín trên xe buýt trong giờ cao điểm... Vì vậy đã khiến phần đa người dân ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung chưa coi xe buýt là phương tiện chính.
Minh Khai