Dự kiến sẽ tăng khoảng 350 loại dịch vụ trong tổng số 3000 các dịch vụ bệnh viện đang thực hiện và một số dịch vụ ban hành từ năm 2006 đến nay không còn phù hợp.
Gây sốc và giật cục
Bộ Y tế đưa ra 5 lý do để tăng viện phí, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên nhân do khung giá cũ quá lạc hậu so với chi phí hiện đại. Ví dụ, mức thu tiền giường theo Thông tư 14 chỉ từ 8-14 nghìn đồng trong khi đó tiền xử lý chất thải cho 1 giường bệnh từ 10 -17 nghìn đồng, tiền điện, nước, phí vệ sinh... khoảng 10 nghìn nữa.
Vì thế, Bộ đề xuất tiền giường ở các trạm y tế xã là 10- 15 nghìn đồng/ngày, giường bệnh điều trị nội khoa từ 20 - 100 nghìn đồng/ngày, giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 30 - 120 nghìn đồng/ngày.
Với các dịch vụ như phẫu thuật, thủ thuật cũng sẽ tăng cao hơn hiện nay, nhất là các thủ thuật có gây mê, do tính đủ chi phí về găng tay, quần áo phẫu thuật lẫn chi phí về gây mê, gây tê... Ví dụ như việc cắt amidan hiện nay có khung giá từ 20 - 400 nghìn đồng sẽ được điều chỉnh lên là 600 - 700 nghìn đồng. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ như chiếu chụp, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cũng sẽ được điều chỉnh tăng cao.
Ngoài nguyên nhân khung giá cũ quá lạc hậu, Bộ Y tế cho biết hiện ngân sách nhà nước rót cho ngành y tế còn thấp. Mỗi năm chỉ chi từ 40 - 50 triệu đồng cho 1 giường bệnh. Vì thế, để điều hành và thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, bệnh viện phải dựa vào nguồn thu viện phí và bảo hiểm y tế.
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện luôn ở mức báo động
Ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Tăng viện phí đáng lẽ phải làm dần và làm từ lâu rồi, nhưng vì áp lực từ dư luận xã hội nên chưa thực hiện được. Bên cạnh đó việc đề xuất tăng viện phí được đưa ra trong thời điểm như lạm phát cao, suy giảm kinh tế... trong khi việc tổ chức mạng lưới khám chữa bệnh, thái độ khám chữa bệnh chưa tốt nên mới bị dư luận phản đối đến vậy”.
Ông Lợi cũng cho hay, “đáng lẽ mình phải làm theo lộ trình giống như điều chỉnh các loại giá khác. Việc này đã bàn từ cách đây chục năm rồi. Đã có Nghị quyết là phải tính đúng, tính đủ về chi phí, cái gì thuộc về nhà nước, cái gì thuộc về người thụ hưởng, sau đó phải có bước đi cụ thể. Hiện nay, Bộ Y tế đề xuất tăng giật cục như thế này tôi cũng lo lắm. Cái đó đưa ra phải có lộ trình. Bởi nếu điều chỉnh ngay thì sẽ tạo nên tác động xã hội khá lớn. Đồng thời, phải tính đến mức phí tiếp theo cho sự trượt giá”.
Bảo hiểm y tế có là lá chắn cho người nghèo?
Bộ Y tế cho rằng, việc tăng phí lên sẽ có thêm kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, người bệnh sẽ có điều kiện để thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn. Giải thích thêm cho đề xuất tăng viện phí của Bộ, TS. Trần Đức Long cho biết: "Nếu thu thấp như hiện nay thì nhà nước tiếp tục phải bao cấp cho cả những đối tượng có khả năng chi trả viện phí, đây là một sự lãng phí. Thu của người có khả năng chi trả là cách huy động của các tầng lớp nhân dân khám chữa bệnh".
Tăng viện phí sẽ tạo nên gánh nặng cho những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, ông Long khẳng định: "Hiện nay có khoảng 53 triệu người có thẻ bảo hiểm y tê, chiếm 62% dân số. Họ thuộc thành phần người làm công ăn lương, hưu trí, đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. 53 triệu người này sẽ không bị ảnh hưởng vì chi phí chữa bệnh đã được bảo hiểm y tế chi trả. Dự kiến đến năm 2012 sẽ có khoảng 65 - 70% dân số sẽ tham gia bảo hiểm y tế”.
Đồng thời, ông Long cũng khẳng định các hộ cận nghèo cũng không phải quá lo ngại (?) vì hiện nay nhà nước đã hỗ trợ đến 50% chi phí mua bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đang đề xuất tăng mức hỗ trợ đó lên 70%. Ngay từ năm sau, những hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp sẽ được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Vì thế, ông Long cho rằng, nếu tất cả những đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ không bị ảnh hưởng của việc tăng viện phí.
Trái ngược với cái nhìn có vẻ lạc quan về tấm thẻ bảo hiểm y tế có thể che chắn được người thu nhập thấp trước cơn bão tăng phí dịch vụ y tế, vẫn còn ý kiến lo ngại. Nhiều người cho biết, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn rất phiền hà trong các thủ tục. Nhiều bệnh viện vẫn có thái độ phân biệt khám bệnh với những người sử dụng bảo hiểm y tế.
Khá nhiều người có bảo hiểm y tế nhưng không bao giờ sử dụng đến vì chất lượng dịch vụ quá kém. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2010, quy định khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm phải đúng tuyến để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đã khiến nhiều bệnh nhân gặp khá nhiều rắc rối, phiền hà.
Nhiều người lo ngại, nếu những nhiêu khê trong việc khám chữa bệnh bằng hiểm y tế chưa được giải quyết thì việc tăng viện phí thực sự là một gánh nặng quá lớn với người nghèo.
Ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Muốn người dân có bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi cần thực hiện đúng luật. Hiện nay có hai luật, một là Luật Bảo hiểm y tế hai là Luật Khám chữa bệnh. Riêng chuyện đó mà thực hiện được đúng thì quyền lợi của người dân mới được đảm bảo. Hiện nay khoảng cách giữa luật và người thực hiện luật ấy còn quá lớn, cho nên người bị thiệt hại là người thụ hưởng".
Nhóm Phóng Viên