Tăng vốn điều lệ ở Sông Đà SDU: “Phải chấp nhận cuộc chơi”

Tăng vốn điều lệ ở Sông Đà SDU: “Phải chấp nhận cuộc chơi”

Nguyễn Trọng Cảnh

Nguyễn Trọng Cảnh

Thứ 5, 06/07/2017 11:12

Đó là câu trả lời ngậm ngùi của Tổng giám đốc cũng như người đại diện phần vốn của Tổng công ty Sông Đà tại sông Đà SDU trước việc tăng vốn điều lệ tại đơn vị thành viên này.

 

Đầu tư - Tăng vốn điều lệ ở Sông Đà SDU: “Phải chấp nhận cuộc chơi”

 Trụ sở Tổng công ty Sông Đà

Tổng Sông Đà mất quyền ở Sông Đà SDU

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (Sông Đà SDU) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Việc tăng vốn lần này được 69,47% ý kiến tán thành và 30,53% phản đối. Việc tán thành hay phản đối ở mỗi ĐHCĐ không phải là chuyện gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, ở Sông Đà SDU lại là cả một câu chuyện mà chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu.

Sông Đà SDU tiền thân là CTCP Đô thị Sông Đà được Tổng công ty Sông Đà thành lập vào năm 2007 với mong muốn tạo ra một đối trọng với CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Vốn đầu tư của Sông Đà SDU là 200 tỷ đồng trong đó Tổng công ty Sông Đà chiếm 30% vốn và là cổ đông lớn nhất.

Thế nhưng, hiện nay Tổng công ty Sông Đà lại không có tiếng nói tại đây. Minh chứng lớn nhất là phương án tăng vốn lần này của Sông Đà SDU. Dù Tổng công ty Sông Đà ra sức phản đối nhưng với 30% vốn “ông bố” này đã không thể ngăn cản việc làm của “đứa con” do mình đẻ ra.

Tại ĐHCĐ 2017, Sông Đà SDU đã thông qua phương án phát hành thêm 10 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (8 triệu cổ phần theo tỷ lệ 4:1) và phát hành cho cán bộ quản lý công ty (2 triệu cổ phần) với giá 10.000 đồng/cổ phần, nhằm tăng vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu kinh doanh, đầu tư.

Nếu thực hiện theo phương án này, Sông Đà SDU sẽ bị thiệt không hề nhỏ do giá chào bán cổ phiếu đã được phê duyệt chỉ bằng một nửa so với giá trên thị trường hiện nay. Tuy thanh khoản rất thấp (có những giai đoạn nhiều tháng liền không có lệnh mua/bán cổ phiếu SDU được thực hiện) nhưng mã SDU vẫn đang được chốt ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu (SDU sẽ mất 10.000 đồng/cổ so với phát hành công khai).

Để tìm hiểu nguyên nhân Tổng công ty Sông Đà phản đối việc tăng vốn tại sông Đà SDU, PV đã liên hệ với ông Hồ Văn Dũng – Tổng giám đốc. Ông Dũng cho biết: “Tổng Sông Đà sẽ không rót thêm vốn vào Sông Đà SDU nữa. Đó là công ty cổ phần, Tổng Sông Đà không đồng ý việc tăng vốn nhưng đa số đã đồng ý nên chúng tôi phải chấp nhận thôi”.

Ông Phạm Đức Thành – Thành viên HĐQT, người đại diện phần vốn của Tổng công ty Sông Đà tại Sông Đà SDU - cho biết: Tổng công ty sẽ không đầu tư thêm và đang thoái vốn tại Sông Đà SDU, bởi Tổng công ty Sông Đà không còn quyền quyết định tại Sông Đà SDU và “quyền lực” hiện tại đã nằm trong tay ông Hoàng Văn Anh – Chủ tịch HĐQT công ty.

Nếu đợt tăng vốn lần này diễn ra suôn sẻ và Tổng công ty Sông Đà không rót thêm tiền thì phần vốn của tổng công ty tại Sông Đà SDU chỉ còn lại khoảng 20% và tiếng nói của Tổng Sông Đà sẽ còn rất ít giá trị. Vì sao Tổng công ty Sông Đà là cổ đông lớn nhất, là đơn vị sáng lập ra Sông Đà SDU nhưng lại không thể bảo “đứa con” này nghe lời?

Sông Đà SDU tuột khỏi tầm tay

Nhờ tiếng tăm của Tổng công ty Sông Đà, Sông Đà SDU nhanh chóng “chiếm” được nhiều dự án có vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội và ngay cái nôi của Tổng công ty tại Hòa Bình như: Dự án Tòa nhà Sông Đà - Hà Đông (34 tầng); Khu nhà hỗn hợp cao tầng Đô thị Sông Đà tại Bến xe Hà Đông cũ (1 khối 35 tầng và 1 khối 45 tầng); Dự Án Khu đô thị mới Sông Đà – Hòa Bình.v.v.

Tuy thế, việc kinh doanh của Sông Đà SDU lại không mấy khả quan. Suốt 5 năm qua (2012-2016) lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ quanh quẩn từ 1-4 tỷ đồng, nhưng lại nợ thuế hàng chục tỷ đồng khiến hóa đơn của công ty bị phong tỏa. Tính đến cuối năm 2016, Sông Đà SDU còn nợ thuế trên 21,5 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều năm qua công ty này không thể chia cổ tức cho cổ đông.

Hơn thế nữa, khi Chủ tịch Hoàng Văn Anh còn là đại diện phần vốn của Tổng công ty Sông Đà đã ký, ban hành nhiều văn bản sai quy định, điều lệ công ty. Ông Hoàng Văn Anh còn tự ý tạm ứng gần 13 tỷ đồng cho 29 cá nhân… Những việc làm trên sau đó đã bị Thanh tra bộ Xây dựng yêu cầu kiểm điểm lãnh đạo công ty.

Trước tình hình kinh doanh khó cứu vãn kể trên cùng hàng loạt sai phạm của ông Chủ tịch, một cổ đông lớn lâu năm của Sông Đà SDU đã cạn kiệt sự kiên nhẫn là công ty chứng khoán VNDirect, phải “tháo chạy” bằng cách thoái sạch 16,26% vốn vào tháng 11/2015. Chính trong thời gian này, mốt số cổ đông khác cũng đồng loạt thoái vốn.

Ngay khi các cố đông thoái vốn thì CTCP Đầu tư Xây dựng An Phú Thịnh (công ty của con gái Chủ tịch Hoàng Văn Anh) thâu tóm hơn 4,6 triệu cổ phiếu SDU (tương ứng tỷ lệ 23,01%).

Sau đó, cá nhân ông Hoàng Văn Anh cũng âm thầm nâng mức sở hữu của mình từ hơn 500 nghìn cổ phiếu lên 2.342.800 (chiếm 11,71%). Con gái ông Hoàng Văn Anh là Hoàng Thị Phương Thúy cùng hai em trai ông là Hoàng Viết Tường và Hoàng Viết Kế cũng sở hữu một lượng cổ phần đáng kể ở Sông Đà SDU. Tính đến tháng 9/2016, gia đình ông Chủ tịch đã sở hữu 37,3% vốn điều lệ của Sông Đà SDU (nhiều hơn Tổng công ty Sông Đà).

Theo ông Phạm Đức Thành, sau khi công ty của con gái thâu tóm được 23,01% cổ phần và ông Hoàng Văn Anh nâng cao tỷ lệ sở hữu của cá nhân mình tại Sông Đà SDU thì ông Chủ tịch đã xin nghỉ việc, đồng thời thôi làm đại diện phần vốn của Tổng công ty Sông Đà.

Hiện tại, Tổng công ty Sông Đà vẫn đang là cổ đông lớn nhất với 30% cổ phần. Tuy nhiên, trong cuộc chiến với “đứa con” do mình đẻ ra Tổng công ty Sông Đà lại đang rất đơn độc nên dù đang mất dần kiểm soát tại Sông Đà SDU nhưng Tổng công ty vẫn đành phải chấp nhận…

Thủy Tiên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.