Chí Trung (sinh năm 1961) tên thật là Phạm Chí Trung, là một diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh và đạo diễn Việt Nam. Chí Trung là con trai của nghệ sĩ Quý Dương và nghệ sĩ violoncelle Phùng Thúy Lan. Quê anh ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Do truyền thống nghệ thuật của gia đình nên thuở nhỏ Chí Trung bị ép phải học violon. Tuy nhiên sau 4 năm việc học violon không thành công. Học hết trung học, Chí Trung không thi đại học. Anh thi vào Nhà hát Tuổi trẻ. Chí Trung trúng tuyển vào Nhà hát trong cuộc thi hơn 2000 thí sinh và gắn bó với ánh đèn sân khấu.
Khán giả biết đến Chí Trung nhiều hơn với vai trò một nghệ sĩ hài. Anh từng đóng vai Táo Giao thông nhiều năm trong chương trình Gặp nhau cuối năm. Cách diễn hài của Chí Trung tỉnh queo, thỉnh thoảng buông ra một câu bằng chất giọng đặc trưng; không nhắng nhít, không ồn ào, không uốn éo làm bộ làm tịch.
Kiểu nhăn mặt, hay tướng đi, thậm chí cả lúc Chí Trung quát tháo trên sân khấu cũng có thể làm khán giả cười. Trong một phỏng vấn, Chí Trung cho rằng sở trường của ông là hài trí tuệ, thể loại chuyển tải thông điệp, triết lý sâu xa tới khán giả.
Ngoài ra Chí Trung còn là một diễn viên điện ảnh. Anh thường đóng vai trong các bộ phim hài như Tết này ai đến xông nhà. Anh còn có những vai trong các bộ phim truyền hình như Thái sư Trần Thủ Độ.
Chí Trung có những thành công với chính kịch. Anh đã có những vai diễn điển hình trong các vở lớn như Romeo trong Romeo và Juliet, Đôn sứt trong Lời thề thứ 9, Tạ Quay trong Trò đời.
Sau nhiều năm công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ, từng là Trưởng đoàn kịch 2 của Nhà hát, hiện Chí Trung là quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Với vai trò lãnh đạo, anh luôn có những lo toan để thực hiện việc xã hội hoá kịch, đảm bảo doanh thu cũng như chăm lo cuộc sống của anh em nghệ sỹ trong đơn vị.
Chí Trung được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú năm 1997. Năm 2013, tại Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ, anh được trao “Giải thưởng dành cho đạo diễn” cho vở kịch Mùa hạ cuối cùng.
Ngoài nghệ thuật, Chí Trung có niềm đam mê sưu tầm đồ cổ. Anh có một bộ sưu tập lên đến hơn một nghìn món cổ vật. Chí Trung còn yêu thích bóng đá. Anh là Chủ tịch Hội cổ động viên của câu lạc bộ Hà Nội T&T.
Chí Trung kết hôn với Ngọc Huyền, cũng là một nghệ sỹ kịch của Nhà hát Tuổi trẻ. Anh bắt đầu yêu Ngọc Huyền từ năm 18 tuổi. Hai người có một con gái và một con trai. Cả hai con đều không theo con đường nghệ thuật như cha mẹ. Có thể nói cuộc tình ngót nghét 40 năm của cặp vợ chồng nghệ sỹ Chí Trung - Ngọc Huyền luôn là niềm ngưỡng mộ của đồng nghiệp và công chúng.
Cuộc tình đẹp nhưng cũng thấm đầy nước mắt
Có lẽ, hầu hết những khán giả yêu mến cặp đôi Chí Trung - Ngọc Huyền đều biết đến câu chuyện tình yêu 7 năm gắn bó, lãng mạn đẹp như tiểu thuyết của họ. Nhưng điều ít ai biết rằng, cuộc tình đẹp đẽ ấy cũng thấm đầy nước mắt bởi sự ngăn cản quyết liệt của bố mẹ Ngọc Huyền. Suốt 5 năm đầu tiên, gia đình Ngọc Huyền tìm mọi cách ngăn cản mối quan hệ này.
Gia đình Ngọc Huyền được tiếng có của ăn của để thời bấy giờ. Cô là con gái của ông chủ tiệm ảnh Đại Tân phố Huế nức tiếng Hà thành, thuộc vào diện “tiểu thư nhà giàu”. Trong khi Chí Trung lại nghèo quá. Lúc bấy giờ, cả hai cũng mới bắt đầu có chút tên tuổi trong giới, chứ không phải nổi tiếng như giai đoạn sau này, càng không phải “hotface” như hiện tại. Hồi mới yêu nhau, gia đình Ngọc Huyền phản đối dữ dội. Song không phải vì chê Chí Trung nghèo như người ta đồn thổi.
Chí Trung ngược lại, là con nhà nòi nghệ thuật. Cha anh, NSND Quý Dương, là một danh ca nổi tiếng, là nghệ sĩ hàng đầu của âm nhạc cách mạng. Cha mẹ anh lại li hôn khi anh còn nhỏ. Bản thân anh lại mắc lỗi… quá đẹp trai. Vì thế bố mẹ Ngọc Huyền rất lo lắng cho con gái. Các cụ sợ rằng con mình làm dâu một gia đình nghệ thuật, nền nếp gia phong mọi thứ đều khác biệt thì liệu có thể hòa hợp được không. Nhưng rồi sau mấy năm, ông bà cũng phải chấp nhận mối tình của đôi trẻ. Bởi lửa gần rơm, có cấm cũng không cấm được.
Khi gia đình Ngọc Huyền đồng ý cho kết hôn, Chí Trung thật sự rất nghèo, anh sống cùng mẹ trong căn tập thể rộng vẻn vẹn 10m2 cộng thêm 1 gác xép nhỏ. Ngày cưới, nhà Ngọc Huyền làm 40 mâm cỗ mời họ hàng. Còn Chí Trung mời gần 20 bạn bè về nhà, ngồi bệt xuống đất ăn uống.
Đêm tân hôn, đôi trẻ được mẹ nhường cho chiếc giường. Sau đó là trở về cái gác xép nhỏ mà Ngọc Huyền dành nhiều tháng trời đi xin họa báo màu về gấp con ốc xâu lại thành tấm ri-đô cho kín đáo.
33 năm kể từ cái ngày cô tiểu thư nhà giàu sống trong nhung lụa quyết theo chàng nghệ sĩ nghèo về cái tổ chim cúc cu ấy sống, đến bây giờ họ vẫn không đổi chỗ ở. Dù căn tập thể xưa đã được xây sửa lại từ lâu.
Chí Trung bảo, suốt 33 năm ấy, chưa bao giờ Ngọc Huyền than vãn một lời về cái sự nghèo: “Nếu là người phụ nữ khác, họ chắc sẽ đặt áp lực lên chồng về tình yêu, nhà cửa, tiền bạc... Thế nhưng bao nhiêu năm qua, Huyền chưa bao giờ hỏi tôi: “Sao mình nghèo thế anh?”. Cùng lứa với tôi, bạn bè nhiều người là giám đốc, tổng giám đốc các công ty lớn, có nhà cao cửa rộng, xe hơi đắt tiền. Những hình mẫu ấy, Huyền biết tất cả nhưng chẳng quan tâm”.
Nhiều năm đầu sau đám cưới, hai vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền phải vật lộn với chuyện bạc tiền. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn trăm bề, cơm áo khiến hai vợ chồng không tránh được giận hờn, cãi vã.
Nhưng Ngọc Huyền vẫn cố gắng thức khuya dậy sớm, gom góp từng đồng đi chợ và tuyệt nhiên không bao giờ về cầu viện bố mẹ đẻ để giữ thể diện cho chồng.
Bí quyết để giữ lửa yêu là ghen
Có lẽ, với Ngọc Huyền, áp lực lớn nhất khi làm vợ Chí Trung không phải là chuyện nghèo, mà là vì tính đào hoa của anh. Mà như chị hay dùng cái chữ “lẳng lơ”.
Ngọc Huyền bảo, thời yêu nhau, Chí Trung vẫn bẹo má cô này cô kia là chuyện bình thường. Hờn giận, cãi vã, ghen tuông đủ cả, cuối cùng Ngọc Huyền cũng đành bất lực trước thói xấu cố hữu của chồng.
Điều đáng nói là, không biết vì yêu quá nhiều hay vì cái tính dễ quên mà chỉ cần Chí Trung hạ cố làm lành thì Ngọc Huyền đã tha thứ được ngay.
“Một phần mình không thể giận chồng quá lâu là vì dù anh có ‘lẳng lơ’ ở đâu nhưng vợ con với anh luôn là số 1. Bao nhiêu năm qua, lúc nào mình cũng cảm nhận được một tình yêu rất lớn của anh ấy dành cho mình. Thế nên có bao nhiêu tủi hờn cũng theo gió mà bay”.
Người ta bảo “cả giận mất khôn”, còn Ngọc Huyền trong lúc giận nhất lại là lúc chị nhiều vị tha nhất. Chỉ nghĩ về những điều tích cực ở chồng mà không bao giờ bám vào những lỗi lầm của anh để rũ bỏ, phủi tay.
Bà xã Chí Trung tâm sự, cũng có thời điểm anh làm những điều khiến chị giận tới mức có thể chết đi được.
Nhưng lạ là, chỉ cần bình tâm nghĩ về những ưu điểm của chồng, nghĩ về những ngày gian khó anh nai lưng ra làm việc để lo miếng cơm manh áo cho vợ con, nghĩ về những kỉ niệm đẹp đẽ mà hai vợ chồng trải qua cùng nhau, thì bỗng nhiên những sai lầm của anh khi ấy lại trở nên nhỏ bé. Và Ngọc Huyền lại bỏ qua. Hết lần này tới lần khác.
Chí Trung thừa nhận: “Lắm lúc đi diễn xa nhà, là một người đàn ông khá đa tình, tôi cũng xao xuyến trước cái đẹp, cũng phải lòng một ai đó ngoài vợ mình. Nhưng rồi, cái quan trọng là phải biết điểm dừng.
Rong chơi mãi, tôi lại thấy chẳng ai hơn người vợ hiền, không xinh đẹp bằng nhiều người nhưng lại rất duyên dáng và độ rộng lượng có thừa”.
Chí Trung cũng khẳng định, gia đình anh tồn tại được đến ngày hôm nay mà chưa buông tay nhau ra là nhờ cả ở “độ rộng lượng có thừa” và cái tính nhẫn nhục của Ngọc Huyền. Để gìn giữ gia đình, Ngọc Huyền sẵn sàng nhẫn nhịn trước cả những thói hư tật xấu của chồng.
Nhẫn nhịn không phải là nhu nhược để anh tự tung tự tác. Mà nhẫn nhịn để anh đi chơi biết lối về, để anh dù có làm gì cũng nhớ ra giới hạn. Với Chí Trung, đó là cách Ngọc Huyền quản lý anh dù chị từ rất lâu rồi không tra vấn, truy hỏi anh nửa lời.
40 năm sánh bước bên nhau, không thể không có những lúc lệch nhịp, nhưng ở tuổi đã lên chức ông chức bà, Chí Trung ngày ngày vẫn muốn về nhà ăn cơm vợ nấu, đều đặn hai buổi sớm chiều.
Người đàn ông tung hoành trên sân khấu và bay nhảy ngoài đời thực ấy danh tiếng hào quang đủ cả, lại chỉ xem vợ là món quà lớn nhất số phận ban tặng cho mình.
Quốc Tiệp (tổng hợp)