Táo Quân 2022 chính thức lên sóng tối 29 Tết với sự thay đổi ở dàn diễn viên khi các nghệ sĩ gạo cội Công Lý và Xuân Bắc không tham gia diễn xuất mà thay thế bởi 2 diễn viên trẻ Trung Ruồi và Duy Nam.
Năm nay, NSƯT Quốc Khánh vẫn được giao vai Ngọc Hoàng. Bốn gương mặt "táo" chính của mùa này là Táo Giao thông (Chí Trung), Táo Mạng (Tự Long), Táo Kinh tế (Quang Thắng) và Táo Xã hội (Vân Dung). Táo Giáo dục và Táo Y tế chỉ xuất hiện vài phút trên màn hình và không "lên chầu".
Trong lịch sử gần hai thập kỷ của Táo Quân, chương trình năm nay có một số điểm đổi mới về nhân sự cũng như format, kịch bản. Tuy nhiên, những thay đổi này chưa đủ sức thuyết phục người xem. Vẫn có ý kiến cho rằng, Táo nhạt và chưa có duyên...
Năm nay, chương trình có các Táo như: Táo Y tế, Giáo dục, Giao thông, Kinh tế, Xã hội, Nông nghiệp và có thêm Táo Mạng. Nhưng chỉ có Táo Giao thông, Táo Xã hội, Táo Kinh tế, Táo Mạng vào chầu báo cáo, chịu những chất vấn của Ngọc hoàng (NSƯT Quốc Khánh).
Còn Táo Giáo dục, Y tế và Nông nghiệp vốn là những ngành nhiều vất vả trong năm đại dịch Covid-19 thì không phải báo cáo trực tiếp mà sẽ trực tuyến với Ngọc Hoàng, để mau chóng về hạ giới lo công việc. Tuy Táo Y tế không phải vào chầu, được về sớm hỗ trợ chống dịch, nhưng ngành y tế vẫn bị chế giễu quá lố nhiều lần về chuyện "chọc mũi" test Covid-19.
Tuy nhiên, những màn đối thoại này "chưa tới", làm nhiều khán giả hụt hẫng, bởi ai cũng mong những trận cười ngả nghiêng bởi màn báo cáo gây cười của Táo này.
Ở chương trình năm nay, Táo Quân đề cập loạt vấn đề nổi cộm trong năm qua như giăng dây vùng xanh vùng đỏ, hạch sách giấy đi đường, ra công văn lúc nửa đêm, thổi giá kit test, Việt Á, đường sắt Cát Linh chậm chạp, bi hài học online, nữ hoàng livestream, gà chứng khoán, tiền ảo, ông ngoại, thầy ông nội, rác mạng, quảng cáo thần y thần dược trên mạng, livestream chửi bới, "dĩ dãng dơ dáy dễ gì giấu giếm", sao kê, minh bạch từ thiện, bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, phiếu đi chợ ngày chẵn lẻ, bỏ cọc, phong sát, phong thành...
Tuy nhiên chỉ một số sự vụ này được diễn lại trên sân khấu khá sinh động như giấy đi đường, nửa đêm ra văn bản, bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, diễn tập sự cố đường sắt trên cao…
Chia sẻ với Người Đưa Tin, đạo diễn Việt Hoàng cho hay: "Tôi có cảm giác như, Táo Quân đang nhạt dần, thay vì tạo trend, tạo những câu nói, bản sắc riêng cho mình, thì kịch bản Táo Quân năm nay lại chạy theo trend nhiều quá. Chương trình chạy theo những câu nói, nhưng tình huống của khán giả trẻ trên mạng xã hội nhiều đến nỗi chỉ những khán giả Gen Z (người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012 - PV) mới hiểu Táo Quân đang nói gì. Tôi cam đoan đến 60% khán giả lớn tuổi bình dân không hiểu được những câu nói như: "Enjoy cái moment này", "nhìn sang trái", "dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu diếm”... là đang nói về ai, nói cái gì, chỉ có thế hệ Gen Z - những người thường xuyên lướt mạng, ôm máy tính mới có thể biết được. Kịch bản trẻ quá cũng có cái hay, nhưng chương trình nên cân bằng một chút vì khán giả là đại đa số khán giả ở nhiều lứa tuổi, nếu bị chê nhạt, chê không hiểu kịch bản chương trình thì Táo Quân không thành công rồi...".
Bên cạnh đó, cách diễn của hai nhân tố mới là Duy Nam - Trung Ruồi cũng nhận được những phản hồi khi mang đến màu sắc trẻ trung. Không còn một Bắc Đẩu đanh đá, chua ngoa hay một Nam Tào thâm thúy bên cạnh Ngọc Hoàng. Thay vào đó là hai "lính mới" có phần rụt rè, run rẩy khi đối diện các táo. Phần diễn của Duy Nam - Trung Ruồi chỉ được đánh giả là "tròn vai" chứ chưa tạo được sự đặc sắc và khán giả chưa thể cười ngay được.
Táo Quân luôn là chương trình có giá quảng cáo cao của VTV trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, khán giả thường phàn nàn chương trình quảng cáo nhiều. Và năm nay không phải ngoại lệ. Điểm trừ là quảng cáo lại xuất hiện quá nhanh ở phần mở màn (khi hai nhân vật Thiên Lôi chỉ vừa thoại vài câu), khiến người xem có cảm giác ức chế. Ngoài ra, 1-2 câu quảng cáo được lồng trong thoại của các nhân vật Táo mà khán giả tinh ý sẽ nhận ra ngay.
Khoảng 5-6 năm trở lại đây, cứ sau mỗi chương trình Táo Quân là lại rộ lên làn sóng dư luận đòi "dẹp" Táo. Nhà đài cũng đã dẹp chương trình trong một năm nhưng rồi lại quay trở lại bởi hào quang quá khứ là thứ chẳng dễ từ bỏ, tất nhiên, và giá quảng cáo cao ngất của chương trình đêm giao thừa lại càng chẳng dễ bỏ. Hơn ai hết, khán giả chỉ mong một chương trình hài kịch xứng tầm, "gãi đúng chỗ ngứa" và mang nhiều cảm xúc trước khi chào đón một năm mới.
"Khán giả đã thay đổi cách xem, thay đổi tư duy nhưng Táo Quân dường như vẫn "dậm chận tại chỗ" khi kịch bản bao năm nay vẫn thế. Mong rằng Nam Tào và Bắc Đẩu mới sẽ có những màn tung hứng, đối đáp sâu sắc hơn ở mùa sau. Thôi thì ta đưa ra những thiếu xót để chương trình hoàn thiện hơn, hay hơn ở Táo Quân năm sau" - đạo diễn Việt Hoàng cho biết.
Cũng trong đêm phát chương trình Táo Quân, NSƯT Xuân Bắc đã chia sẻ hình ảnh ở nhà theo dõi Táo Quân qua truyền hình. Anh không bình luận gì nhiều ngoài việc thể hiện việc xem ủng hộ các đồng nghiệp và hậu bối thủ vai. Nhưng bên dưới chia sẻ của anh, rất đông khán giả đã bình luận về cảm giác trống vắng, buồn và nhớ khi thiếu sự xuất hiện của anh và NSND Công Lý.
NSND Công Lý cũng ở nhà theo dõi chương trình Táo Quân năm nay. Chia sẻ PV, chị Ngọc Hà - vợ NSND Công Lý cho biết ông xã xem say sưa và chăm chú. ''Ở phần gần cuối chương trình khi đang xem thì nghệ sĩ Thu Huyền làm cùng Nhà hát Kịch Hà Nội đến chúc Tết nên NSND Công Lý sẽ xem lại toàn bộ Táo Quân 2022 và sẽ nhận xét về chương trình sau...'' - chị Ngọc Hà cho biết.