Theo đó, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT (Phần Lan) đã sản xuất thành công tế bào cà phê arabica trong lò phản ứng sinh học thông qua phương thức nông nghiệp tế bào. Thành tựu khoa học mới này được đánh giá có thể giúp sản xuất ra cà phê một cách bền vững hơn, nhất là khi cây cà phê hiện đang đứng trước nhiều thử thách.
Theo thống kê, thế giới sản xuất gần 10 tỷ kg cà phê mỗi năm và nhu cầu tiêu thụ dự kiến còn tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu sẽ cần thêm không gian để trồng cà phê. Điều này có thể đồng nghĩa với việc người ta phải chặt phá nhiều mảnh rừng hơn để cây cà phê phát triển.
Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra cây cà phê dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu. Khi Trái Đất ấm lên, diện tích phù hợp để trồng và sản xuất cà phê dự kiến giảm đi. Nhiệt độ tăng cũng khiến các bệnh và sinh vật gây hại phổ biến hơn.
Công nghệ mới thể hiện một hình thức của nông nghiệp tế bào, trong đó các sản phẩm được tạo ra bằng cách nuôi tế bào chứ không phải động, thực vật thật sự. Quá trình này chỉ đòi hỏi một phần nhỏ năng lượng, nước và thải ra ít carbon.
"Ý tưởng ở đây là dùng công nghệ sinh học thay cho canh tác truyền thống để sản xuất thực phẩm, cung cấp giải pháp thay thế ít phụ thuộc hơn vào các hoạt động không bền vững. Ví dụ, các giải pháp này đòi hỏi ít nước và hoạt động vận chuyển hơn do sản xuất tại địa phương. Chúng cũng không phụ thuộc vào mùa vụ và không cần thuốc trừ sâu", Tiến sĩ Heiko Rischer, Trưởng khoa Công nghệ sinh học Thực vật tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT, giải thích.
Quy trình được bắt đầu bằng cách nuôi cấy tế bào cà phê, thiết lập các dòng tế bào tương ứng trong phòng thí nghiệm và sau đó chuyển chúng đến các lò phản ứng sinh học để sản xuất sinh khối. Sau khi phân tích sinh khối, quy trình rang được tiến hành và cho ra đời thành phẩm cà phê mới tinh sẽ được đánh giá bởi hội đồng cảm quan chuyên nghiệp. Và mới đây, nhóm nghiên cứu đã tạo ra cốc cà phê đầu tiên được nhận xét có mùi và vị tương tự cà phê thông thường.
Tuy nhiên hiện tại, tất cả nguyên liệu cà phê được sản xuất trong điều kiện phòng thí nghiệm mới đều là thực phẩm thử nghiệm và cần được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận để có thể được tiếp thị và bán cho người tiêu dùng ở Mỹ.
Nhóm nghiên cứu cũng mong muốn hợp tác với các đối tác công nghiệp để phát triển một sản phẩm thực sự. Nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi, một sản phẩm thương mại có thể sẵn sàng ra mắt trong 4 năm tới.
Minh Hoa (t/h theo VnExpess, Nông nghiệp Việt Nam)