Lĩnh vực hàng không trong nước mới chỉ manh nha hình thành nhưng những doanh nghiệp tiên phong bước lên bầu trời như Indochina Airlines và Air Mekong đã không thể trụ vững.
BIM Group - tập đoàn chống lưng cho Air Mekong là ai?
Indochina Airlines đã biến mất còn Air Mekong sẽ tạm dừng bay từ cuối tháng 2 để tái cơ cấu do sức mua thấp, càng bay càng lỗ vì giá vé chưa đủ bù chi phí.
Air Mekong dự kiến sẽ thay thế đội bay gồm 4 chiếc Bombardier CRJ900 chỉ chở được 40 người bằng một loại máy bay lớn hơn để khai thác hiệu quả hơn.
Hiện chỉ còn Vietjet Air – hãng hàng không đưa vào khai thác muộn nhất vẫn còn tiếp tục.
“Buôn tài không bằng dài vốn”, câu nói này có lẽ rất đúng đối với ngành hàng không trong nước. Với đặc thù của ngành cùng với việc Vietnam Airlines đang thống trị trên bầu trời thì để có thể tồn tại được, các hãng hàng không tư nhân cần phải có một chỗ dựa tài chính vững chắc.
Vietjet hiện có Sovico Holdings và HDBank đứng sau; Air Mekong có BIM Group trong khi Indochina Airlines chỉ có nhạc sĩ Hà Dũng.
BIM Group đến từ đâu?
Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group), trụ sở chính tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là công ty tư nhân được thành lập vào năm 1994, xuất phát điểm nổi bật là khách sạn Hạ Long Plaza. Chủ tịch tập đoàn này là ông Đoàn Quốc Việt – một Việt kiều về nước đầu tư sau một thời gian làm ăn tại Ba Lan.
BIM có nhiều công ty thành viên và công ty liên kết hoạt động trên các lĩnh vực như phát triển và quản lý bất động sản, dịch vụ trong ngành du lịch, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và vận tải.
Bên cạnh Air Mekong, hệ thống BIM còn có BIM Seafood, zpizza, Halong Plaza Hotel, Halong Marine Plaza, Halong Marina, Syrena Tower, Muối Ninh Thuận.
Tổ hợp Syrena tại 51 Xuân Diệu, Hà Nội bao gồm khu căn hộ cao cấp Fraser Suites Hanoi của Tập đoàn Fraser&Neave, câu lạc bộ Elite Fitness & Spa, trung tâm thương mại Syrena.
Cũng trong lĩnh vực bất động sản, BIM còn là chủ đầu tư Khu đô thị Hùng Thắng (Halong Marina), trung tâm thương mại Halong Marine Plaza tại thành phố Hạ Long cùng 1 số dự án khác.
Công ty BIM Seafood hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến tôm, hàu đông lạnh xuất khẩu.
Tính đến cuối năm 2010, BIM Group sở hữu hơn 16 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 4,6% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Sau đó thì không còn thông tin về sở hữu của BIM tại SHB.
Theo số liệu của trung tâm thông tin tín dụng, năm 2011, BIM Group đạt 968 tỷ đồng doanh thu thuần và 816 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt là hơn 5.000 tỷ và gần 2.200 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lần lượt là 84,3% và 37,73%.
Những con số trên cho thấy BIM Group là một doanh nghiệp có quy mô lớn và kết quả kinh doanh khá ấn tượng.
Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng cục hàng không trong một lần trả lời trên báo chí cho biết: “Giới kinh doanh hàng không cả thế giới đều học nằm lòng câu nói cửa miệng: kinh doanh hàng không rất dễ trở thành triệu phú nếu như anh là tỷ phú”.
Các hãng hàng không muốn bay phải chuẩn bị phương án lỗ kéo dài, có vốn rất lớn mới có thể chịu lỗ trong vài năm kinh doanh.
Có thể BIM Group là một tập đoàn lớn, nhưng tập đoàn này cũng khó có thể dốc toàn bộ nguồn lực cho Air Mekong vì vẫn còn rất nhiều mảng kinh doanh khác. Mảng bất động sản cũng là một bộ phận kinh doanh quan trọng của BIM trong khi thị trường bất động sản đang rất trầm lắng. Rõ ràng, BIM đang đứng trước một viễn cảnh khó khăn.
Theo CafeF/TTVN