Cùng với tập đoàn Kinh Bắc của người em trai Đặng Thành Tâm, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã chứng khoán ITA, gọi tắt là ITACO) của bà Đặng Thị Hoàng Yến là những ‘ông hoàng’ về kinh doanh cho thuê khu công nghiệp, với một loạt dự án khu công nghiệp rộng hàng trăm hec-ta trải khắp miền Nam.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Sau 13 năm công tác trong các cơ quan Nhà nước, năm 1993, bà quyết định thành lập Công ty TNHH Hoàng Yến, tiền thân của Tập đoàn Tân Tạo ngày nay. Bà từng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 năm 2011 nhưng tới 2012 bị bãi nhiệm chức danh này.
Dưới sự lãnh đạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến, tập đoàn Tân Tạo cho tới nay đã phát triển trở thành một doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp. ITACO là hạt nhân trong số 21 công ty thành viên lớn nhỏ của Tập đoàn Tân Tạo.
Sự thành công của ITACO những năm cuối thập niên trước đã đưa bà Yến lên đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh, với việc 3 năm liền nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt (2008-2010). Tuy vậy, những yếu tố cả về chủ quan lẫn khách quan sau đó đã dần kéo ‘quỵ’ tập đoàn của người phụ nữ được mệnh danh là ‘người đàn bà thép’.
Còn đâu thời hoàng kim
Quý I/2017, tổng doanh thu hợp nhất của ITACO đạt 149 tỷ đồng, lãi sau thuế 23 tỷ đồng, mặc dù có tăng so với cùng kỳ năm ngoái (17 tỷ đồng), song nếu so với số vốn điều lệ khổng lồ (9.385 tỷ đồng) thì hiệu quả kinh doanh của ITACO vẫn là một dấu hỏi lớn, khi mà lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 25 đồng, thấp hơn rất nhiều các doanh nghiệp cùng ngành (Tcty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc của em trai bà Yến là ông Đặng Thành Tâm báo lãi 181 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, EPS 377 đồng).
Tổng tài sản hợp nhất của ITACO tại ngày 31/3/2017 là 12.926 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm (12.917 tỷ đồng), chiếm phần lớn là đầu tư tài chính (3.122 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn và dài hạn (4.336 tỷ đồng), hàng tồn kho (3.436 tỷ đồng).
Trong khi đó đáng báo động là lượng tiền mặt và các loại tài sản có tính lỏng cao tương đương của ITACO gần như không còn. Khoản tiền gửi ngân hàng 8 tỷ đồng tính tới cuối năm 2016 đã được rút hết. Số dư tiền mặt trong 3 tháng đầu năm giảm từ 26,5 tỷ đồng về còn 9,8 tỷ đồng.
Thiếu tiền là bài toán hóc búa đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến cùng các cộng sự. Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, hãng kiểm toán uy tín Ernst & Young đã bày tỏ lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của ITACO, với việc nợ quá hạn thanh toán đã lên tới 163 tỷ đồng.
Dư nợ tài chính ngắn và dài hạn của ITACO tới cuối năm 2016 là 1.492 tỷ đồng, trong đó 285 tỷ đồng sẽ phải thanh toán từ nay tới cuối năm.
Theo giải trình của ITACO, doanh nghiệp này đã đàm phán gia hạn thời điểm trả nợ với các ngân hàng tới chậm nhất là cuối năm nay, đồng thời lập một kế hoạch dòng tiền chi tiết trong năm 2017 để đủ khả năng chi trả các khoản nợ, trên cơ sở ước tính từ việc cho thuê đất tại Khu Công nghiệp Tân Tạo và Tân Đức.
Tuy vậy, không dễ để ITACO thực hiện được kế hoạch trên, khi mà tổng các khoản nợ đến hạn và quá hạn phải thanh toán trong năm 2017 là 448 tỷ đồng, gấp rưỡi doanh thu thuần mà hàng nghìn nhân viên ITACO tạo ra trong năm 2016 (311 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, việc hiệp định TPP chính thức thiếu vắng nhân tố quan trọng nhất là Mỹ khiến Việt Nam không còn là điểm đến quá lý tưởng đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài như trước. Đây là một trở ngại đối với ngành kinh doanh khu công nghiệp nói chung và ITACO nói riêng.
Hàng tổn kho tính tới cuối tháng 3/2017 của ITACO là 3.436 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm (3.453 tỷ đồng). Chiếm phần lớn là Khu công nghiệp Tân Đức (1.216 tỷ đồng), Khu E-City Tân Đức (1.324 tỷ đồng) và Khu công nghiệp Tân Tạo (502 tỷ đồng).
Nhiều dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” bị thu hồi
Nửa cuối thập niên 2000, Tập đoàn Tân Tạo liên tục giành được quyền phát triển một loạt các dự án có quy mô rất lớn. Đáng kể nhất là siêu dự án Nhiệt điện Kiên Lương – Cảng nước sâu Nam Du với tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ USD, dự kiến khởi công vào cuối năm 2009 và đi vào hoạt động 4 năm sau đó.
Tân Tạo cũng không ngần ngại tham gia vào lĩnh vực bất động sản với dự án Khu thương mại – dịch vụ Vina Universal Paradise có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng nằm trên 60 ha địa bàn huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Website của Tập đoàn Tân Tạo còn giới thiệu một số dự án bất động sản đáng chú ý khác như Khu đô thị mới Xuân Mai với quy mô 9.600 ha đã được UBND tỉnh Hà Tây chấp thuận giao dự án quy hoạch từ năm 2008, dự án ITA Galeria Highrise có diện tích 14.000 m2 toạ lạc trên “đất vàng” đường Ðiện Biên Phủ, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, Tân Tạo có dự án cao ốc văn phòng ITA-Sky cao 45m trên phố cổ Triệu Việt Vương.
Mặc dù nắm trong tay rất nhiều dự án “vàng”, song nguồn lực hạn chế khiến phần lớn vẫn còn nằm ‘trên giấy’.
Giữa tháng Tư vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thu hồi chủ trương đầu tư dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du của Tập đoàn Tân Tạo.
Dự án Vina Universal Paradise cũng có nguy cơ bị thu hồi khi không triển khai sau gần 10 năm cấp phép. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra ‘tối hậu thư’ đối với chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư Khu du lịch phim trường Vina – đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Tạo. Các dự án còn lại của Tân Tạo cho tới nay gần như ‘bặt vô âm tín’, không loại trừ khả năng đã bị thu hồi hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác.
Mã chứng khoán ITA của ITACO hiện đang được giao dịch quanh ngưỡng 3.500 đồng, chỉ ngang với một ly trà đá và bằng 1/10 mức đỉnh được lập cách đây một thập kỷ.
Nghi Điền