Tập đoàn Hóa chất: Xin Ngân sách cấp phát đến bao giờ?

Tập đoàn Hóa chất: Xin Ngân sách cấp phát đến bao giờ?

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 3, 11/07/2017 06:42

Vinachem liên tục kêu khó do thiếu vốn, và vừa xin Chính phủ trả nợ cho dự án thua lỗ nghìn tỷ.

Tiêu dùng & Dư luận - Tập đoàn Hóa chất: Xin Ngân sách cấp phát đến bao giờ?

 Ngoài những Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai, một dự án nghìn tỷ nữa của Vinachem có vấn đề là dự án muối mỏ tại tỉnh Khammouan, Lào, vốn đã đình trệ nhiều tháng nay. Ảnh: KP

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho nhà máy Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc. Đạm Ninh Bình là dự án trọng điểm của Vinachem, có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, song tới cuối năm 2016 đã phải gánh lỗ lũy kế lên tới hơn 3.300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu.

Đây không phải lần đầu Vinachem “kêu” hết tiền, nhờ Chính phủ giúp đỡ. Trong báo cáo về tình hình tái cấu trúc gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính từ đầu năm. Vinachem cho rằng chưa được tạo điều kiện để phát huy hết năng lực.

Cụ thể, Vinachem khẳng định vốn điều lệ của tập đoàn được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định 190/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 là 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đến thời điểm cuối tháng 6/2016 mới chỉ là 13.818 tỷ đồng, tức là vẫn thiếu khoảng 2.200 tỷ so với mức được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho nguồn vốn trả nợ và triển khai dự án đầu tư.

Vinachem cho hay tình hình thị trường không thuận lợi và lượng vốn của các doanh nghiệp con khi thực hiện cổ phần hóa là tương đối lớn, nên khó tìm được cổ đông chiến lược, khiến tỷ lệ nắm giữ của Vinachem tại nhiều đơn vị sau cổ phần hóa vẫn còn ở mức cao.

Tình hình kinh doanh của Vinachem đang đi xuống đáng lo ngại trong những năm gần đây. Năm 2016, Vinachem báo lỗ 895 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ lỗ 1.337 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận khi tăng từ 1.667 tỷ đồng năm 2015 lên 2.013 tỷ đồng năm vừa qua.

Vay nợ ngân hàng vẫn duy trì ở mức rất cao, tính tại ngày 31/12/2016 là 29.575 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nguồn vốn và gấp gần 3 lần vốn điều lệ.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, đơn vị điều hành nhà máy đạm cùng tên vay 1.329 tỷ đồng, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, đơn vị sở hữu nhà máy đạm Hà Bắc vay 8.054 tỷ đồng, CTCP DAP số 2 Vinachem, đơn vị vận hành nhà máy DAP số 2 tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai vay 3.418 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập đoàn mẹ Vinachem còn vay hộ dự án Đạm Ninh Bình 7.317 tỷ đồng, trong đó có khoản vay 250 triệu USD với China Eximbank như đã đề cập ở trên. Như vậy, 3 dự án lớn nhất của Vinachem hiện vay tổng cộng (cả trực tiếp và gián tiếp) 20.118 tỷ đồng, xếp lần lượt từ cao xuống thấp là dự án đạm Ninh Bình (vay 8.646 tỷ đồng), dự án đạm Hà Bắc (8.054 tỷ đồng), dự án DAP số 2 vay 3.418 tỷ đồng.

Đây cũng là 3 trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ mà Bộ Chính trị đã yêu cầu làm rõ, xử lý sai phạm.

Với việc đầu tư kém hiệu quả như vậy, trong số 12.218 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con của Vinachem tính tới cuối năm 2016, tập đoàn này đã phải trích lập mất vốn tới 4.103 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản trích lập 1.172 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Trong đó trích lập khoản đầu tư vào dự án Đạm Ninh Bình 2.269 tỷ đồng, dự án Đạm Hà Bắc 967 tỷ đồng, dự án DAP Lào Cai 572 tỷ đồng.

Nhiều thành viên của Vinachem hiện có dấu hiệu mất khả năng thanh toán. Tập đoàn mẹ đã phải trích lập 63,3 tỷ đồng không thể thu hồi với khoản cho vay Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, trích lập 100% khoản vay 6,6 tỷ đồng với CTCP Pin Ắc quy Vĩnh Phú.

Khả năng quản trị của ban lãnh đạo Vinachem cũng bị đặt dấu hỏi lớn khi nợ khó đòi liên tục tăng cao, tăng từ 192 tỷ đồng cuối năm 2015 lên 309 tỷ đồng cuối năm 2016. Đáng chú ý, Vinachem hiện ghi nhận khoản phải thu 703 tỷ đồng đối với Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu (HQC) tiền mua than cám dùng cho chạy thử nhà máy đạm Ninh Bình.

Vẫn chưa rõ khả năng thu hồi số tiền rất lớn trên. Trong kết luận thanh tra của Bộ Công thương hồi đầu năm, Vinachem đã cấp than cho nhà thầu HQC chạy thử vượt so với hợp đồng EPC.

Qua nhiều lần đàm phán, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử.

Nghi Điền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.