Tập đoàn Hoà Phát có hơn 40.000 tỷ đồng lượng tiền mặt, tiền gửi

Tập đoàn Hoà Phát có hơn 40.000 tỷ đồng lượng tiền mặt, tiền gửi

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 2, 31/01/2022 11:00

Dù sở hữu vị thế tiền mặt đáng nể, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng đang đi vay ngân hàng với giá trị rất lớn.

Báo lãi kỷ lục năm 2021

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu 44.711 tỷ đồng, tăng 73,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng mạnh hơn nên biên lợi nhuận gộp còn tăng 53% đạt 9.588 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 24,3% xuống 21,4%.

Doanh thu tài chính tăng mạnh 141% lên 857 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng tăng 50% lên 1.184 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí bán hàng tăng 151% lên 711 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 138% lên 509 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thép ghi nhận 7.427 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 28,5% so với mức đỉnh đạt được trong quý III/2021.

Cả năm 2021, Hòa Phát đạt 149.680 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66%; lãi sau thuế đạt kỷ lục 34.520 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 34.478 tỷ đồng, cùng tăng 156% so với năm 2020. Tập đoàn vượt 24% mục tiêu doanh thu và 92% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.

Kết quả kinh doanh đột biến năm 2021 được Hòa Phát lý giải nhờ sản lượng thép thô tăng, trong khi giá bán và giá vốn đều tốt.

Doanh nghiệp cho biết các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên trong năm đã hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Tập đoàn cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với 2020.

Hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021 với 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Mảng nông nghiệp lỗ trong quý IV

Trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế theo mảng kinh doanh, mảng thép ghi nhận 15.077 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; mảng nông nghiệp lỗ 98 tỷ đồng, giảm so với mức lãi 380 tỷ quý IV/2020; bất động sản lãi 190 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.

Tuy nhiên, lợi nhuận mảng thép nếu tính loại trừ, chẳng hạn như sử dụng HRC để sản xuất các sản phẩm khác, thì lợi nhuận mảng này sẽ tăng do lợi nhuận sau thuế vẫn tăng so với cùng kỳ dù nhiều chi phí cao hơn.

Lũy kế cả năm, mảng nông nghiệp của Hòa Phát mang về 719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 45% so với mức đỉnh thiết lập năm 2020 nhờ diễn biến giá thịt heo thuận lợi.

Mảng nông nghiệp của Hòa Phát gồm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi. Ở lĩnh vực chăn nuôi, Hòa Phát tập trung ở mảng cung cấp heo giống bố mẹ, heo giống thương phẩm, heo thịt với nhiều trang trại tại Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Bình Phước.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phát triển nhiều trang trại bò thịt ở tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai và chăn nuôi gia cầm với quý mô 300 triệu quả trứng gàn sạch/năm.

Ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, đơn vị có 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 300.000 tấn/năm/nhà máy tại Hưng Yên và Đồng Nai.

Sở hữu lượng tiền lớn, vẫn đi vay ngân hàng

Tại ngày 31/12/2021, Tập đoàn ghi nhận 178.235 tỷ đồng tổng tài sản, tăng thêm 46.724 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, riêng hàng tồn kho tăng thêm 15.847 tỷ đồng lên 42.134 tỷ đồng, chiếm 23,6% tổng tài sản. Hòa Phát trích lập dự phòng 235,5 tỷ đồng giảm giá hàng tồn kho, tăng so với mức 86,5 tỷ đầu năm và 65,8 tỷ quý III/2021.

Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi) tăng thêm 10.109 tỷ đồng lên 18.236 tỷ đồng; khoản tiền và tương đương tiền cũng tăng từ 13.696 tỷ lên 22.471 tỷ đồng, tức tăng 8.775 tỷ đồng. Như vậy, Hoà Phát có hơn 40.707 tỷ đồng tiền gửi và tiền, tăng thêm gần 19.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Dù sở hữu vị thế tiền mặt đáng nể, Hòa Phát cũng đang đi vay ngân hàng với giá trị rất lớn. Số dư vay nợ tài chính ngắn hạn lên đến 43.747 tỷ đồng và vay dài hạn là 13.463 tỷ đồng. Tổng giá trị vay nợ theo đó đạt hơn 57.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Về mặt nguồn vốn, với việc lãi đậm năm 2021, Hòa Phát tích lũy được khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 41.762 tỷ đồng. Quỹ đầu tư phát triển đạt 923 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 3.211 tỷ đồng. Cộng tổng 3 khoản này đạt 45.897 tỷ đồng, vượt qua vốn góp của chủ sở hữu 44.729 tỷ đồng.

Khoản nợ vay ngắn hạn tăng từ 36.798 tỷ đồng lên 43.748 tỷ đồng nhưng vay dài hạn giảm từ 17.434 tỷ đồng xuống 13.464 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.