Dự án được triển khai bởi Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy điện - một đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Kosy, nhà máy thủy điện Nậm Pạc có tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng với tổng công suất lắp máy 34MW.
Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý IV/2020, nhà máy thủy điện Nậm Pạc sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình khoảng 150 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời sẽ mang lại doanh thu khoảng 240 tỷ đồng/năm cho chủ đầu tư và đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 36 tỷ đồng/năm.
Tổ hợp nhà thầu thi công công trình chính sẽ là Tập đoàn Sông Đà và nhà thầu Thái An - đơn vị chuyên xây dựng các công trình thủy điện lớn đến từ Trung Quốc.
Việc nhà máy thủy điện Nậm Pạc được khởi công đã đánh dấu bước tiến dài trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Kosy khi tấn công sang lĩnh vực năng lượng sạch. Đây là chiến lược quan trọng, nhằm khẳng định uy tín, đảm bảo doanh thu - lợi nhuận ổn định tạo đà phát triển bền vững cho Tập đoàn trong dài hạn.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Kosy cho biết, nhà máy được thiết kế xây dựng theo loại hình thủy điện đường dẫn, trong đó có 04 con đập dâng nước làm hoàn toàn bằng bê tông cốt thép trọng lực. Dự kiến, sau khi được xây dựng xong sẽ tạo ra một diện tích mặt hồ rộng khoảng 18 ha. Đây chính là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện để hình thành và phát triển các cơ sở nuôi cá nước lạnh có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó mở ra hướng đi mới trong việc phát triển nuôi cá lồng bè trên các hồ thủy điện để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ngoài ra, khi nhà máy thủy điện Nậm Pạc được triển khai và đi vào hoạt động, hệ thống hạ tầng giao thông gần 40km đường liên xã, liên huyện từ thị trấn Mường So đi vào xã Nậm Xe và xã Sin Súi Hồ được nâng cấp, cải tạo mở rộng và hiện đại hóa.
“Với doanh thu ổn định có được từ nhà máy, chúng tôi đặt mục tiêu cân bằng thu hồi vốn trong khoảng chỉ 6 - 8 năm sau khi phát điện chính thức”, Chủ tịch Tập đoàn Kosy cho biết thêm.
Về phía đơn vị nhà thầu chính, ông Hồ Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sông Đà khẳng định sẽ thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư, triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn lao động và đặc biệt là tiến độ đã đề ra để phát điện hòa lưới quốc gia vào quý IV/2020.
Cũng tại sự kiện này, Tập đoàn Kosy trao tặng 2 phần quà biểu trưng (tổng trị giá 1 tỷ đồng) xây dựng 2 điểm trường tiểu học trên địa bàn xã Nậm Xe và Sin Suối Hồ.
Với nhu cầu điện ở Việt Nam được ước tính sẽ tăng 12% mỗi năm, chính phủ đã đặt mục tiêu tạo ra 265 tỷ kWh điện vào năm 2020 và 570 tỷ kWh điện vào năm 2030. Con số này cao gấp khoảng 3 lần hiện nay là 170 tỷ kWh. Điều này cho thấy nguồn cung và nhu cầu sử dụng nguồn điện năng chưa tương đồng và việc xảy ra tình trạng thiếu điện là rất rõ ràng.
Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là lớn, thị trường có và các cơ chế khuyến khích đầu tư có. Do đó, việc phát triển các dự án năng lượng như thủy điện, sản xuất tạo nguồn cung điện năng hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia là chủ trương đầu tư được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để triển khai. Nhận thấy những tiềm năng này và nắm bắt cơ hội để tiến những bước tiến chắc chắn, cùng chiến lược phát triển dài trong lĩnh vực năng lượng, nhà máy thủy điện Nậm Pạc được khởi công đã minh chứng cho hướng đi đúng đắn và tầm nhìn nhanh nhạy cùng thời cuộc của Tập đoàn Kosy.
Thùy Trang