Trong tháng 5/2021 này, tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đã ký kết chuyển nhượng 35,1% cổ phần dự án nhà máy điện gió Trung Nam cho công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE) đến từ Nhật Bản. Thông qua việc ký kết này, Hitachi SE sẽ sở hữu 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam. Từ đó, tập đoàn Trung Nam và Hitachi trở thành đối tác chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển của cả hai bên.
Dự án nhà máy điện gió Trung Nam với tổng số vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng, công suất 151,95 MW, thời gian khai thác 2.785 giờ/năm, sản lượng dự kiến 432.000.000 kWh/năm. Nhà máy điện gió Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm. Với việc sở hữu 64,9% cổ phần, Trungnam Group vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò quyết định trong điều hành và định hướng phát triển của Dự án.
Trước đó, Trungnam Group cũng ký thoả thuận bán 49% cổ phần của nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc có công suất 204MWac và tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng cho công ty Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu. Động thái của Trungnam Group diễn ra trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư khác cũng liên tiếp chuyển nhượng cổ phần dự án điện năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Xoay quanh câu chuyện an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group đã lên tiếng với báo chí.
Nghệ thuật tài chính nhưng chọn bạn mà chơi
Thưa ông, vì sao phía tập đoàn Trung Nam đã liên tiếp thực hiện hợp tác, chuyển nhượng cổ phần trong thời gian qua?
Sau 16 năm, tập đoàn Trung Nam đang ngày càng mở rộng quy mô và có kế hoạch mở rộng phát triển thêm nhiều lĩnh vực. Vì thế, chuyển nhượng cổ phần là một trong những cách thức hợp pháp, giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn để tiếp tục phát triển mạnh hơn. Đó là cách để chăm sóc “sức khỏe tài chính” cho doanh nghiệp. Nói nôm na có thể ví dụ thế này, chúng ta sở hữu 1 ngôi nhà với giá 100 đồng. Trong đó có 30 đồng vốn, còn lại là vay ngân hàng.
Khi thị trường có nhiều tiềm năng phát triển, chúng ta có thể bán cổ phần nhưng vẫn giữ lại hơn 51% để kiểm soát quyền chi phối. Ngay lập tức, chúng ta có thêm một khoản lợi nhuận rồi tiếp tục vay ngân hàng để mua ngôi nhà mới. Còn nếu cứ khăng khăng giữ lại, sự phát triển sẽ rất chậm, rất khó để đẩy mạnh cho những dự án mới.
Nhưng có ý kiến lo ngại, việc chuyển nhượng cổ phần ồ ạt sẽ khiến năng lực quản lý của tập đoàn Trung Nam bị tác động?
Đối với Trungnam Group, chúng tôi khẳng định sẽ không bao giờ chuyển nhượng mà để mất quyền chi phối. Đồng thời cũng không bao giờ bán cổ phần cho đối tác mà nguồn vốn không rõ ràng hoặc thiếu thiện chí đầu tư. Nguyên tắc của tập đoàn Trung Nam là chỉ chuyển nhượng cố phần cho các đối tác là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam hoặc những nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn minh bạch, rõ ràng đến từ các quốc gia có quan hệ tốt với Việt Nam.
Và theo tôi, vấn đề an ninh năng lượng được hiểu là chiếm quyền kiểm soát khi tình trạng khẩn cấp xảy ra. Nghĩa là phải giao cho cơ quan quản lý thuộc chính phủ một mật khẩu đặc biệt. Trong trường hợp khẩn cấp, họ sẽ kiểm soát qua đồng hồ. Chứ không phải an ninh năng lượng là không cho nước ngoài đầu tư trong khi chúng ta đã bước vào nền kinh tế mở.
Nắm bắt cơ hội, cùng nhau phát triển
Trong tương lai, Trungnam Group có tiếp tục chuyển nhượng cổ phần đối với các dự án khác hay không?
Nếu nói không mà sau này tuyên bố đã bán thì không giống ai cả. Nhưng trong thời điểm này, Trungnam Group chưa thấy đối tác nào phù hợp tương tự như Hitachi SE. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội từ thị trường, phải xây dựng dự án cho hoàn thiện để bán cũng được giá hơn. Một số doanh nghiệp xin được dự án nhưng rao bán ngay thì đối tác nước ngoài đều lắc đầu không mua vì hiểu rõ rủi ro. Chúng tôi không nói rằng sẽ không bao giờ bán cổ phần, nhưng sẽ bán vào thời điểm thích hợp, phù hợp với chiến lược phát triển.
Sau vài năm tham gia và trở nên nổi bật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Trungnam Group đánh giá thị trường đang diễn biến ra sao?
Đầu tiên phải nói, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là hoàn toàn đúng đắn. Chủ trương này thể hiện tinh thần cởi mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia lĩnh vực năng lượng. Và từ đó, các chính sách, hành lang pháp lý đã tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp cùng tham gia phát triển.
Đối với Trungnam Group, khi cơ hội đến thì mình phải nắm bắt. Và khi thực hiện, chúng tôi mới thấy rằng, đây là lĩnh vực rất khó, sử dụng nguồn vốn tương đối lớn bên cạnh tay nghề kỹ thuật đòi hỏi cao. Hiện nay, thị trường đang cạnh tranh mạnh mẽ. Doanh nghiệp phải chứng minh bản lĩnh bằng chất lượng sản phẩm cũng như tiềm lực lâu dài.
Thời gian qua, Trungnam Group đã đưa vào vận hành 2 dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận và tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với tổng công suất trên 360 MW, cùng với dự án điện gió tại huyện Thuận Bắc có tổng công suất trên 151,95 MW. Năm 2020, tập đoàn chúng tôi đã xây dựng và đưa Trạm biến áp và đường dây 220/500 KV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW đi vào hoạt động thành công.
Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án năng lượng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2027 sẽ đưa thêm 10 GW hòa lưới hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, Trungnam Group đang tích cực thực hiện kế hoạch mang 900 trụ gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi đến các dự án tại các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Trà Vinh, Ninh Thuận…
Cảm ơn ông!
THÀNH NHÂN