Tờ South China Morning Post ngày 31.8 đưa tin ngày 30.8, tại Diễn đàn hàng không vũ trụ thương mại quốc tế Trung Quốc lần thứ 3 diễn ra tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) Lưu Thạch Tuyền thông báo, tập đoàn sẽ nghiên cứu phát triển một mạng lưới đường sắt trong tương lai có tên gọi HyperFlight cho phép các tàu lửa “bay” trên đệm từ với tốc độ 1.000 km/giờ và cuối cùng sẽ đạt tốc độ tối đa 4.000 km/giờ, tức nhanh hơn 10 lần so với tốc độ tối đa của các tàu cao tốc hiện nay.
Tốc độ 4.000 km thậm chí còn nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ bay tối đa của các máy bay thương mại như Airbus A380 (1,020km/giờ) và Boeing 787 (954km/giờ).
Ông Lưu nói rằng tập đoàn sẽ hợp tác với 20 cơ quan nghiên cứu khoa học quốc tế và Trung Quốc về dự án này.
Ông cho biết dự án HyperFlight hướng đến mục tiêu kết hợp công nghệ máy bay siêu thanh và đường sắt cao tốc chẳng hạn như như chạy trên đệm từ hoặc chạy trong ống chân không (vacuum tube) kiểu giống như dự án tàu siêu tốc Hyperloop chạy trong ống chân không của Elon Musk, người sáng lập hãng xe điện Tesla. Công nghệ sử dụng trong dự án Hyperloop có thể cho phép tàu chạy đạt tốc độ tối đa 1.200km/giờ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vận tải đã bày tỏ hoài nghi về dự án tàu siêu tốc của CASIC.
Zhao Jian, một giáo sư ở Đại học Giao thông vận tải Bắc Kinh, cho biết về mặt sinh lý học, cơ thể con người chỉ có thể chịu đựng vận tốc di chuyển 4.000 km/giờ trong khoảng thời gian rất ngắn.
“Trong trường hợp như vậy, các hành khách của con tàu siêu tốc này có lẽ chỉ toàn các phi hành gia?”, Zhao Jian mỉa mai.
Ông cũng nghi ngờ về tính khả thi thương mại của dự án vì cho rằng lượng người đủ sức khỏe để đi trên các tàu siêu tốc như vậy rất ít.
“Chi phí để cải thiện vận tốc của tàu qua nhiều giai đoạn sẽ rất cao và tôi tự hỏi liệu có khả thi thương mại để thực hiện dự án này”, Zhao Jian nói.
CASIC cho biết giai đoạn đầu của dự án sẽ là các tàu siêu tốc chạy 1.000km/giờ vận hành giữa các thành phố của các vùng. Trong giai đoạn thứ hai, các tàu sẽ được được nâng lên 2.000km/giờ và hoạt động giữa các thành phố lớn.
Và giai đoạn cuối cùng sẽ chứng kiến những đoàn tàu có vận tốc 4.000km/giờ chạy trên các tuyến đường sắt kết nối các nước nằm trong sáng kiến Con đường tơ lụa hiện đại của Trung Quốc, hay còn gọi là dự án “Một vành đai, một con đường”.
Cư dân mạng Trung Quốc cũng hoài nghi cao độ với dự án tàu siêu tốc của CASIC. Một số người chỉ ra rằng Trung Quốc phải mất đến 6 năm để nâng vận tốc của các tàu cao tốc từ 300km/giờ lên 350km/giờ, vậy sẽ mất bao lâu để nâng vận tốc của chúng lên 4.000km/giờ?
Họ cũng khẳng định không một hệ thống phanh nào trên thế giới có thể dừng khẩn cấp tàu đang “bay” với tốc độ siêu thanh 4.000km mà vẫn bảo đảm hàng khách trên tàu còn... sống.
Một số ý kiến khác kêu gọi các cơ quan quản lý nên giải quyết những vấn đề giao thông cấp bách trước mắt hơn là mộng tưởng về “các tàu lửa bay”
“Liệu chính phủ có thể sẵn sàng phát minh ra công nghệ để giải quyết nạn tắc đường trước không?” một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Sina Weibo.
Theo Thanh Niên