Sáng 15/11, tại Hà Nội Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị bà Nguyễn Minh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trong chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thực hiện dự án về triển khai dự án giảm nghèo về thông tin với mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực truyền thông, nâng cao kỹ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên trong công tác truyền thông, các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội nhất là tới các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… tới những người dân sinh sống trên các địa bàn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Hy vọng hội nghị sẽ mang lại những kết quả để ngày càng tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các cơ quan thông tấn báo chí nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo nói chung”, bà Hằng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đông đảo phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí đã được lắng nghe chia sẻ từ ông Đinh Xuân Thắng – Phó Vụ trưởng Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc các chuyên đề: Một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025; chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc, miền núi.
Ông Thắng cho biết hiện nay một bộ phận thanh niên chủ yếu sống dựa vào mạng xã hội, tin vào các thông tin không chính thống mà không đề cập đến vấn đề thông tin chính thống.
“Hiện nay Đài Truyền hình Việt Nam VTV5 phát 26 thứ tiếng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát 13 thứ tiếng, tôi hỏi bất kỳ một người dân nào đều nói chưa nghe, chưa xem bao giờ. Đây là nghèo về thông tin và cần phải nghiên cứu”, ông Thắng nêu thực tế và cho biết vấn đề này đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020.
Giai đoạn 2016 -2020 đã đưa thông tin là một trong 5 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin. Đến năm 2021-2025 đưa thêm một dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều đó là việc làm.
Tiêu chí xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận thông tin bao gồm: Sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Trong giai đoạn 2021-2025 ông Thắng cho biết một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin Chính sách cung cấp dịch vụ bưu chính công ích; Chính sách hỗ trợ hoạt động báo chí cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin thông qua 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021 - 2025, ông Thắng cho rằng công tác truyền thông chính sách rất quan trọng, ông mong muốn các cơ quan báo chí đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc thì các chỉ tiêu được đưa ra trong chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đạt được kết quả như mong đợi.
Theo đó, nội dung tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các thông tin có liên quan đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sống trên địa bàn các xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thiết yếu cho xã hội trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.