Tham dự buổi tập huấn có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế; Đại sứ quán Vương quốc Bỉ và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội Luật gia một số tỉnh/thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... và một số chuyên gia đến từ Bỉ và Hà Lan.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Văn Quyền chào mừng các đại biểu về tham dự buổi tập huấn, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác từ phía Đại sứ quán Bỉ, Hà Lan tại Việt Nam và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Đồng chí cho biết, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Việt Nam tham gia ký kết năm 2013 và có hiệu lực vào năm 2015.
Ngay sau khi tham gia ký kết thì lần đầu tiên quyền con người cũng đã được đưa vào Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã được cụ thể hóa ở một số văn bản luật như: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi)…
Tại buổi tập huấn, ông Siegfried Mertens, Cảnh sát trưởng Antwerpen-Zuid, Vương quốc Bỉ và ông Adriaan Zondag, cán bộ tập huấn và nghiên cứu, viện Clingendael, Vương quốc Hà Lan đã giới thiệu về công ước và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu mà hai nước đã đạt được trong việc thực hiện công ước trên cơ sở bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và an ninh, quyền được xét xử công bằng, nghiêm cấm tra tấn, nghiêm cấm hình thức nô lệ và lao động cưỡng bức…
Phát biểu tổng kết buổi tập huấn, đồng chí Lê Thị Kim Thanh đánh giá cao buổi tập huấn đã đạt được những kết quả quan trọng, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ những thông tin về kinh nghiệm của Vương quốc Bỉ và Vương quốc Hà Lan trong việc thực thi Công ước, để các đại biểu có thể học hỏi thêm những kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện Công ước ở Việt Nam. Từ đó, giúp các hội viên Hội Luật gia Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Tạ Tốn