Trong đó nhiều người rất quan tâm đến những quy định đối với người tập sự hành nghề Luật sư.
So với quy định cũ, Luật Luật sư năm 2012 đã có những bước tiến mới. Đặc biệt là việc quy định người tập sự hành nghề Luật sư được “tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý. Rút ngắn thời gian tập sự từ 18 tháng xuống còn 12 tháng”.
Tuy nhiên, việc quy định các quyền và nghĩa vụ của người tập sự hành nghề Luật sư theo Luật Luật sư năm 2012 vẫn cho thấy các nhà làm luật còn giới hạn khả năng tập sự hành nghề của người tập sự hành nghề Luật sư. Nhiều ý kiến cho rằng người tập sự hành nghề Luật sư hiện nay mới chỉ như đang “cưỡi ngựa xem hoa”.
Cần hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho người tập sự hành nghề luật sư. Ảnh minh họa.
Hiện nay, Luật Luật sư năm 2012 không cho phép người tập sự hành nghề Luật sư được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật. Điều này dẫn đến trong quá trình tập sự người tập sự hành nghề Luật sư khó hình thành được các kỹ năng của một Luật sư.
Hơn nữa, những kiến thức được học tập tại Học viện tư pháp, nơi đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ Luật sư sẽ không có cơ hội thực hành và dễ bị mai một. Những người tập sự hành nghề Luật sư đều được thực hành việc tranh tụng, bào chữa… thông qua các phiên tòa giả định tại cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ Luật sư, thế nhưng khi tiến hành tập sự các kỹ năng này lại không có cơ hội để rèn luyện, thực hành cũng có thể coi là một thiệt thòi cho người tập sự.
Mặt khác trên thực tế, tại các Văn phòng Luật sư, công ty Luật, người tập sự hành nghề Luật sư ít được va vấp vào các công việc do Luật sư hướng dẫn không có điều kiện hướng dẫn thường xuyên, hoặc thiếu tin tưởng vào kinh nghiệm cũng như khả năng của người tập sự.
Về vấn đề này Luật Luật sư năm 2012 cũng chưa quy định rõ trách nhiệm cụ thể của Luật sư hướng dẫn đối với việc phân công, giúp đỡ Luật sư tập sự, trong trường hợp suốt thời gian tập sự, người tập sự hành nghề luật sư không nhận được bất kỳ vụ việc nào để được cùng thực hành, cùng làm việc thì trách nhiệm của Luật sư hướng dẫn đến đâu. Bởi lẽ quá trình tập sự hành nghề của người tập sự còn liên quan đến việc báo cáo thực tập và thi kiểm tra hết tập sự. Nếu người tập sự hành nghề Luật sư không được va chạm, không được thực hiện cùng Luật sư hướng dẫn một vụ việc nào, hoặc có nhưng quá ít thì liệu người tập sự đó có thể vượt qua được kỳ kiểm tra?
Thiết nghĩ để nâng cao hơn nữa chất lượng quá trình tập sự của người tập sự hành nghề Luật sư cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Tạo điều kiện tốt hơn nữa cho người tập sự hành nghề Luật sư được rèn luyện, thực hành. Có như vậy mới đúng bản chất của việc tập sự hành nghề chứ không phải là tập sự theo cách “đánh trống ghi tên”.
Hữu Thực