Ngày 30/11, bác sĩ CK.I Nguyễn Hoàng Khương (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tâm Anh Tp.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bị sốc phản vệ khi chạy bộ quá sức.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân Đ.T.T.T. (23 tuổi) đã trong tình trạng nổi hồng ban toàn thân, phù mắt và môi, huyết áp giảm.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận định, nữ bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 do tập thể dục quá sức khiến toàn thân nổi mề đay, sưng mắt và môi, ngứa, tụt huyết áp, khó thở, tím tái.
Ngay lập tức, bệnh nhân được tiêm thuốc vận mạch, thuốc kháng dị ứng và được theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa ô xy trong máu), tri giác và thể tích nước tiểu…
Sau hơn 2 giờ cấp cứu, bệnh nhân giảm ngứa, mắt và môi bớt sưng, hết khó thở, huyết áp về ngưỡng an toàn, mạch ổn định trở lại. Bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để theo dõi thêm phòng trường hợp sốc phản vệ tái diễn. Hiện tại bệnh nhân khỏe và đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương, người tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân cho biết, chị T. có tiền căn thường nổi mề đay khi tập thể dục. Nhưng lần này, người bệnh rơi vào sốc phản vệ do tập thể dục với cường độ cao.
“Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu sớm nên bác sĩ xử trí kịp thời. Mặt khác, trước khi đến bệnh viện, người nhà biết cách sơ cứu ban đầu (đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân, giữ đường thở thông thoáng) và gọi xe cứu thương giúp người bệnh không bị sốc trong lúc di chuyển”, bác sĩ Hoàng Khương nói.
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, có thể xuất hiện từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với yếu tố nguy cơ. Biểu hiện sốc phản vệ rất đa dạng, bệnh nhân có thể sốc, phù mạch, nổi mề đay, khó thở, chảy nước mắt, tụt huyết áp... Trong tình trạng nặng, sốc phản vệ có thể gây tử vong.
Việc tập thể dục hiếm khi gây ra sốc phản vệ nhưng y văn thế giới cũng ghi nhận một số trường hợp tương tự. Một số bệnh nhân thường chỉ xuất hiện triệu chứng khi gắng sức kèm thêm yếu tố đồng kích thích là thức ăn. Vì vậy, với người có cơ địa dễ dị ứng khi tập thể dục cần thận trọng khi hoạt động thể lực quá sức vì khi tập thể dục, cơ thể nóng lên gây ngứa, nổi mề đay, khó thở, huyết áp giảm làm chóng mặt, té ngã, ngưng thở… có thể đe dọa tính mạng.
Theo bác sĩ, người dân có thể nhận biết cơ thể có dị ứng khi tập thể dục qua những triệu chứng: Nóng bừng, đỏ da, nổi mề đay, ngứa sưng mắt, môi, khó thở, thở khò khè, tụt huyết áp, chóng mặt, té ngã…
Bác sĩ Hoàng Khương khuyến cáo người dân khi tập thể dục nếu thấy ngứa, nổi mề đay phải dừng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Với người từng dị ứng, sốc phản vệ khi tập thể dục hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được kê thuốc uống chống dị ứng trước khi tập và tập ở cường độ vừa phải. Bác sĩ sẽ tìm ra môn thể thao phù hợp với từng bệnh nhân.
Minh Hoa (t/h)