Cà Mau có vị trí địa lý là điểm Cực Nam Tổ quốc và nằm trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mêkông mở rộng. Đây là điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á và cho việc hợp tác và hội nhập, nhất là đối với lĩnh vực du lịch Cà Mau.
Để thu hút khách đến với Cà Mau, trong thời gian tới ngành du lịch Cà Mau tiếp tục phối hợp cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsar thế giới;....
Đồng thời, tập trung xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, nông nghiệp, dịch vụ phục vụ du lịch thân thiện với môi trường, bảo tồn các di sản thiên nhiên, môi trường tự nhiên, tạo một môi trường văn hóa du lịch trong lành để thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, chú trọng sắc thái bản địa, đưa sắc thái văn hóa địa phương vào phát triển thành sản phẩm du lịch như: Phát triển các đội văn nghệ, tổ chức thường niên các hoạt động lễ hội truyền thống hay nghiên cứu tạo những sự kiện có tính đặc thù gắn với các lễ hội, nhằm hướng tới khôi phục, bảo tồn nét văn hóa vùng đất và con người Cà Mau trong tổng thể phát triển chung của ĐBSCL.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, trong những năm qua, hoạt động du lịch của tỉnh Cà Mau có những bước phát triển tích cực, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ.
Theo ông Quân, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí… mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch.
“Với quyết tâm huy động mọi nguồn lực tập trung để trong thời gian tới, ngành du lịch Cà Mau trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển”, ông Quân chia sẻ.
Cùng chia sẻ tại hội nghị, ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho rằng, thời gian qua sở tập trung xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, đặc thù tự nhiên của tỉnh để huy động nguồn lực xây dựng và phát triển.
Theo đó, du lịch Cà Mau xác định có ba tuyến du lịch chính gồm: Cà Mau – Khu du lịch Mũi Cà Mau; Cà Mau – Vườn Quốc gia U Minh hạ - Hòn Đá Bạc; Cà Mau – Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm.
Riêng, tuyến du lịch Cà Mau – Khu du lịch Mũi Cà Mau được xác định là tuyến trọng điểm của tỉnh, để tập trung phát triển trở thành Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030.
Thời gian qua, du lịch Cà Mau đã và đang khai thác phát triển các tuyến du lịch tham quan xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, được xem là sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, từng bước phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau có sức cạnh tranh so với khu vực và cả nước.
Dịp này, lãnh đạo sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội, TP.HCM thẳng thắng chia sẻ những kinh nghiệm để địa phương phát triển du lịch với Cà Mau. Đồng thời, đại diện một số công ty du lịch lữ hành cũng chỉ ra những khó khăn trong việc phát triển du lịch tại Cà Mau.
Cụ thể là cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn, hạn chế nguồn nhân lực, người dân chưa chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch, chưa chú trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Nói về các giải pháp đề phát triển du lịch cộng đồng tại Cà Mau, bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện công ty Vietravel cho rằng: “Tỉnh cần có cơ chế, chính sách để tạo cơ hội cho người dân cung cấp được hàng hóa, dịch vụ du lịch và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tiêu thụ sản phẩm do người dân địa phương làm ra”.
“Người dân địa phương cũng là một sản phẩm du lịch, chính họ nói về sản phẩm của họ thì không ai bằng cả. Chính sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là 'một sản phẩm du lịch'. Và loại hình du lịch cộng động ở đây là du khách tiếp cận đời sống của dân”, bà Uyên nhấn mạnh.