Trung tâm kinh tế quan trọng
Thành phố Móng Cái nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, đây được xem là một trong những trung tâm kinh tế cửa khẩu quan trọng của tỉnh cũng như cả nước. Với sự quan tâm đúng mức, những năm qua kinh tế xã hội của thành phố Móng Cái ghi nhận nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, KKT Cửa khẩu Móng Cái được quy hoạch là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc).

Một góc Tp.Móng Cái.
Thông tin từ UBND Tp.Móng Cái, năm 2024, kim ngạch qua Móng Cái ước đạt 5,1 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu đạt 2,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD), tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước trong nhóm địa phương đạt số thu cao trong trong nhóm dẫn đầu toàn Tỉnh với hơn 4.335 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ so với kế hoạch.
Trong quý I/2025, kinh tế Tp.Móng Cái tiếp tục duy trì tốc độ phát triển ổn định, tăng so với cùng kỳ, với giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước đạt 5.023,46 tỷ đồng tăng 19,98% so với cùng kỳ. Kim ngạch XNK qua cửa khẩu Móng Cái quý I/2025 đạt 1,3 tỷ USD, thu NSNN đạt 1.571,4 tỷ đồng, bằng 115% so với cùng kỳ.
Theo UBND Tp.Móng Cái, với vị trí quan trọng, Móng Cái hiện đang được hưởng cơ chế chính sách "Khu kinh tế cửa khẩu" với các ưu đãi cao nhất về thuế, tiền thuê đất, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, từ đầu năm địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2025 theo chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố và bổ sung các giải pháp hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất các ngành kinh tế của thành phố năm 2025 tăng 19% trở lên so với năm 2024.

Năm 2024, kim ngạch qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt trên 5,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Móng Cái đẩy mạnh quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quyết liệt tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển chiều sâu các ngành có lợi thế, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, logistics, tăng thu ngân sách,...
Thời gian tới, Tp.Móng Cái tiếp tục hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, thành phố nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu, rà soát các điểm nghẽn, nút thắt để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ, giải phóng toàn bộ nguồn lực đang có nhằm quản lý khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả cao nhất, tạo cơ sở thúc đẩy tăng trưởng...
Kỳ vọng cơ chế đặc thù
Vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường cùng đoàn kiểm tra, đã chủ trì hội nghị thông qua dự thảo báo cáo của Đoàn kiểm tra số 1907 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan Trung ương sớm xem xét cho phép áp dụng mô hình chính quyền đặc thù đối với thành phố Móng Cái.

Móng Cái tiếp giáp với Trung Quốc cả trên biển và đất liền.
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết, có 3 lý do cơ bản mà cơ quan chức năng đang tập trung xây dựng đề án báo cáo tỉnh trình Trung ương xem xét về cơ chế đặc thù cho thành phố Móng Cái.
Đầu tiên, Móng Cái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với biên giới giáp với Tp.Đông Hưng (Trung Quốc), đây là trung tâm thương mại và logistics với kim ngạch năm 2024 đạt trên 5 tỷ USD, với hệ thống hạ tầng cửa khẩu và thương mại biên giới phát triển mạnh, lớn nhất miền Bắc, đóng vai trò quan trọng trong thương mại Việt - Trung.
Tiếp đó, Móng Cái có bờ biển dài 50 km và nằm tiếp giáp với Trung Quốc, vì vậy có thể thuận lợi phát triển kinh tế biển đảo với các ngành chủ yếu như: du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, phát triển nuôi trồng thủy hải sản và xây dựng trung tâm logistics lớn, kết nối Việt Nam với Trung Quốc, ASEAN và các thị trường khác.

Cửa khẩu Móng Cái là đầu mối giao thương quan trọng 2 nước Việt - Trung.
Một vấn đề là cơ sở quan trọng khác, Móng Cái với vai trò là thành phố cửa khẩu quốc tế, là khu vực tuyến đầu diễn ra hợp tác giao thương đối ngoại giữa hai nước Việt - Trung. Vì vậy, trong xu thế mở cửa và hội nhập, Móng Cái được kỳ vọng trở thành điểm hội tụ, cửa ngõ giao lưu kinh tế các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các tỉnh, thành phố miền duyên hải phía Nam Trung Quốc và kết nối khu vực hợp tác Trung Quốc - ASEAN.
"Nếu được cho cơ chế đặc thù, Móng Cái sẽ có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Đồng thời, đảm bảo vững chắc về an ninh chính trị trên địa bàn. Đây là việc rất được người dân địa phương mong chờ", ông Nam chia sẻ.
Năm 2025 Móng Cái đặt mục tiêu giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 19,1% so với năm 2024, tương đương giá trị đạt khoảng 22.666 tỷ đồng.