Cộng đồng dậy sóng phẫn nộ trước thông tin ngày 19/11, một học sinh lớp 6 chỉ vì nói tục 1 câu mà bị giáo viên ra lệnh cho cả lớp tát rất mạnh... 231 cái đến nỗi thâm đen má, phải nhập viện cấp tốc.
Cụ thể, học sinh H.L.N., học sinh lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình nói tục ngoài sân trường, bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy bắt các bạn cùng lớp tát liên tiếp vào mặt. Bản thân cô cũng đích thân ra tay tát cháu 1 cái.
Ngày 26/11, Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), đã có quyết định khởi tố vụ án "Hành hạ người khác" theo Điều 140, Bộ luật Hình sự để điều tra về hành vi này của cô giáo Thủy.
Tuy nhiên, xét bản chất hành vi của cô giáo Thủy, vừa tổ chức và thực hành 231 cái tát xâm phạm thân thể là vùng mặt em N., thì khuôn mặt lại là nơi để cá nhân giao tiếp với xã hội, mang biểu tượng danh dự nhân phẩm của cá nhân.
Cho nên, khi 231 cái tát xâm phạm biểu tượng danh dự nhân phẩm cá nhân này diễn ra trắng trợn, công khai trước đám đông thì rõ ràng nó mang tính chất chà đạp danh dự, nhân phẩm của cháu N. để sỉ nhục cháu, mục đích làm cho cháu cảm thấy bị hạ thấp trước bạn bè để trừng phạt.
Do đó, nếu chưa đến mức thương tích để khép vào tội Cố ý gây thương tích thì có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác đối với hành vi vừa tổ chức vừa thực hành tát em N. của cô giáo Thủy.
Cũng cần lưu ý ở đây là, việc khởi tố đúng tội danh Làm nhục người khác sẽ có tác dụng răn đe chính xác hơn đối với loại hành vi bạo hành trẻ em của một số giáo viên ưa giáo dục bằng bạo lực vẫn đang tồn tại trong đội ngũ các nhà giáo.
Lâu nay trong xã hội vẫn có tâm lý ngộ nhận rằng, chỉ người lớn mới bị làm nhục. Bởi quan điểm cho rằng có là người trưởng thành mới có danh dự, nhân phẩm để cảm thấy bị xúc phạm, làm nhục. Còn trẻ em, thường bị mặc nhiên cho rằng còn bé nên chưa biết danh dự, nhân phẩm là gì nên chưa cảm thấy bị xúc phạm, làm nhục.
Nhận thức đó là cội nguồn của hàng loạt các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em bấy lâu nay của người lớn. Trong đó, chính các nhà sư phạm cũng bị ngộ nhận rằng, trẻ em chưa có danh dự nhân phẩm như người lớn nên có thể dạy trẻ bằng cách đánh đập - một điều mà đối với người lớn thì họ không dám làm vì họ nghĩ người lớn có danh dự, nhân phẩm rồi không thể đánh đập được.
Chính nhận thức lệch lạc này đã dẫn đến việc các em không được bất khả xâm phạm thân thể như người lớn (Điều 20, Hiến pháp áp dụng cho tất cả mọi người). Nhiều người lớn lại nghĩ rằng với trẻ em thì "thương cho roi cho vọt" nên dạy trẻ bằng đòn roi là bình thường.
Vậy ở đây xin nhấn mạnh rằng, danh dự, nhân phẩm là một đặc trưng cơ bản của con người, dùng để phân biệt giữa con người với con vật. Cho nên, nó thuộc một trong những quyền cơ bản của con người, tức là ngay từ khi chào đời con người ta đã có quyền này rồi.
Do đó, đối với danh dự, nhân phẩm thì không phải đợi đến khi con người ta trưởng thành mới có. Nếu nhận thức như vậy là nhầm lẫn quyền con người sang quyền công dân, vì người ta phải đến tuổi trưởng thành mới có quyền công dân.
Một vấn đề nữa cần đặt ra là phải chăng giáo trình của ngành giáo dục không có nghiệp vụ sư phạm nào dạy giáo viên cách giáo dục được các em hối lỗi sửa chữa sai phạm của mình. Vậy nên mới có tình trạng nhiều giáo viên khi bất lực trước học sinh vi phạm thì phải tự "sáng tạo" ra cách phạt học trò rất phản sư phạm, như bắt uống nước giặt giẻ lau bảng, đánh gãy răng rách môi, cho cả lớp tát má... như thế?
Rõ ràng, để nhiều giáo viên phải tự sáng tác ra những biện pháp giáo dục học sinh mắc lỗi một cách phản sư phạm như thế thì bộ GD&ĐT không thể vô can. Bộ GD&ĐT cần nghiêm túc xem lại giáo trình đào tạo giáo viên của mình, phải có dạy nghiệp vụ sư phạm thật cụ thể và có hiệu quả cho giáo viên khi gặp các trường hợp học sinh mắc lỗi, vô kỷ luật, tái phạm nhiều lần.
Đã đến lúc bộ GD&ĐT không được để giáo viên phải bất lực trước những học trò mắc lỗi mà tự sáng tác ra những nghiệp vụ giáo dục gây kinh hoàng như thế.
Phạm Mạnh Hà
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.