Tết với người Việt, thường có mấy việc chính: Về nhà. Dân Việt tứ tán làm ăn, nhất là từ thời mở cửa, đổi mới, thời kinh tế thị trường lên ngôi, người Việt đã thoát khỏi lũy tre làng, lên thành phố, và đặc biệt là vào các khu công nghiệp. Và làm gì thì làm, ở đâu thì ở, dẫu bây giờ người hiện đại khá đông, tư tưởng tết đi du lịch, thậm chí ra nước ngoài cũng nhiều, nhưng tuyệt đại bộ phận dân Việt vẫn đau đáu tết để... về nhà.
Về nhà là việc lớn, việc chính, bởi phải về thì mới có... tết, là nhiều người nghĩ thế. Bố mẹ mong con, cháu chắt nhớ ông bà, bàn thờ khói hương, những món ăn, những hàn huyên, những lao xao, những thăm hỏi... nó là tết Việt.
Và về nhà rồi thì việc nữa phải làm là... dọn nhà. Tất nhiên ai có nhà thì cũng đều lau, quét hàng ngày. Nhưng gì thì gì, tết là cứ phải dọn nhà. Nhiều người thuê dịch vụ, nhưng nhiều hơn, nhất là ở nông thôn thì tự dọn. Một trong những chỗ cần "làm mới" là bàn thờ ông bà tổ tiên. Những chiếc lư đồng được đem ra đánh, bát hương thay cát, ảnh thờ được chỉnh sửa cho đẹp, rồi mâm ngũ quả, rồi hương hoa, tất cả phải sực nức mùi tết.
Và một việc trọng nữa, là tất niên.
Ngày xưa bao cấp ấy, đói triền miên, tất niên là ngày bắt đầu được... ăn no và ngon. Nhà nhà tất niên người người tất niên. Tất niên để cả nhà quây quần, để mời mọc nhau, hàng xóm mời nhau, anh em bà con mời nhau. Bắt đầu từ rằm tháng Chạp là đã có nhà tất niên rồi, cao điểm là từ sau ngay ông Công ông Táo. Một số ngành nghề cũng tất niên vào dịp này, như thợ may, thợ vàng vân vân. Cơ quan Nhà nước cũng tất niên.
Nông thôn thời bao cấp xưa thì dịp này sẽ tát ao, mổ lợn, tất nhiên đều là của tập thể, của hợp tác xã, ao của hợp tác xã, lợn của nhà nuôi nhưng cũng của hợp tác xã, phải làm nghĩa vụ xong mới được mổ. Tát ao xong thì chia cá. Cả cái sân kho hoặc sân đình mênh mông dùng để chia cá. Chia đều từng phần (còn có đều được không lại là chuyện khác), rồi thả thăm vào, ghi tên từng nhà, trúng tên nhà ai ở phần nào thì nhận phần ấy, công bằng phần... ngọn. Lợn cũng thế, mấy nhà chung nhau, xong cũng chia thịt, cũng bắt thăm.
Về thì làm mâm cúng. Hồi ấy muốn làm cỗ phải trông vào ao và chuồng, và cả ao và chuồng thì phải giáp tết mới có
Cúng tất niên quan trọng nhất là báo cáo với ông bà tổ tiên tình hình trong năm của gia đình. Mà dân ta có thói quen là "tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại", nên đa phần các bản "báo cáo" đều rất đẹp, những là làm ăn phát đạt, con cháu trưởng thành, và mong năm tiếp theo lại vẫn được ông bà phù hộ độ trì để tiếp tục ăn nên làm ra, con cháu tiếp tục thành đạt, phương trưởng, có người còn khấn rõ to: Cầu mong ông bà phù hộ để "tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin".
Đấy là từng nhà, tất nhiên mỗi quê mỗi kiểu chứ không hẳn là giống nhau hết.
Còn từng xóm, ngõ, từng khu phố, dãy chung cư... những năm gần đây có những cuộc tất niên chung, thường là sớm hơn tất niên từng nhà.
Ở nông thôn, như quê tôi ở Huế, thì có cái lễ cúng ngụ, tức ngõ. Mỗi nhà một người ra dọn thật sạch sẽ, rồi trang trí nữa, con đường trước nhà mình, rồi chung nhau làm một mâm cúng. Ngõ mà đẹp, đường đi mà tốt thì cư dân trong ấy sẽ nhiều phần thuận lợi.
Còn thành phố giờ cũng có nhiều đường/ phố, kiệt/ hẻm/ ngõ... cúng tất niên.
Các chung cư cũng thế, từng tầng, hoặc từng block, từng hành lang... tổ chức. Có khi cả năm chả thấy/ biết mặt nhau, nhờ dịp này mới ồ à bắt tay, hỏi thăm nhận nhau...
Và cũng tất nhiên, giờ vừa hiện đại, vừa tiện lợi, lại tiết kiệm thời gian, nên đa phần các cuộc tất niên tập thể như thế là... đặt nhà hàng. Có những nhà hàng, hoặc cá nhân, nhận nấu tiệc, nấu cỗ. Họ đưa thực đơn, chọn món rồi Ok, đúng giờ họ tới, xếp ra mâm, chỉ việc ngồi vào chén. Có nhà sắm hẳn cái ô tô, chuẩn bị đâu đấy, chất lên xe, phóng tới, hạ thùng xe thành cái bếp lưu động, rất tiện.
Xóm tôi, một cái ngõ phố có hơn chục hộ, hơn hai chục năm nay năm nào cũng có tất niên. Tất nhiên có một mâm cúng, tôi hay được cử làm chủ lễ. Cũng khăn đóng áo dài đứng cúng, mỗi nhà một người đứng phía sau. Chủ lễ cúng xong, dâng trà rượu xong thì từng nhà vào thắp hương. Vui nhất là cái ngõ xóm tôi ấy có 2 cơ quan, một là công an phường và hai là trường mẫu giáo. Năm nào trong bài cúng tôi cũng có câu: mong cho trường và các cô giáo không bị... phụ huynh bắt nạt, và mong cho công an phường thất nghiệp. Thế mà linh phết. Cả hai cơ quan ấy thân thiện và hòa đồng với bà con trong ngõ như người nhà, có việc là chung tay, từ hai phía, chả nề hà gì.
Chục năm trước, để có những cuộc tất niên thế này, chúng tôi còn chịu khó xuống làng mua... lợn về tự mổ. Rẻ là một phần, nhưng cái chính là nó có không khí tết quê. Mổ lợn xong là cúng tất niên, tất nhiên là ăn không thể hết, chúng tôi cũng bày trò... chia thịt, rồi xâu vào lạt, rồi mang đến giao từng nhà, ai cũng hỉ hả dẫu có nhà bỏ tủ lạnh tết sang năm vẫn còn. Nhận thịt lợn xâu lạt, ai cũng rưng rưng, ai cũng nhớ quê.
Lại nhớ hồi nào có hẳn một tập đoàn rất lớn, rất hiện đại, nhưng tết năm nào cũng tổ chức mổ lợn, trải chiếu ngồi ăn uống với nhau như cỗ làng. Ông nhà thơ Nguyễn Quang Thiều người làng Chùa, Hà Đông, cũng có những năm tổ chức mổ lợn giáp tết, mời bạn bè Hà Nội về ăn, khi về mỗi người cũng được biếu một xâu thịt lợn, bỏ lên ô tô mang về hỉ hả khoe với vợ con...
Tết, con người sinh ra tết để... bận bịu, để đẻ ra bao việc phải lo, phải tính, nhưng rồi cũng chính tết, nó cho chúng ta những khoảng lặng, khoảng thanh bình, khoảng quê trong lòng những người xa quê, và cả những người ở ngay giữa lòng quê.
Riêng tôi, năm nào chiều 30 tết, cũng thửa một mâm cúng ông bà tổ tiên, mời vài người bạn thân, ngồi được với nhau. Giữa cái đặc nghẹt không khí tết ấy, uống với nhau vài ly rồi ai về nhà nấy. Tối ấy, bắt đầu khai bút để sáng mùng một thì xong một bài thơ. Cái bài thơ khai bút ấy nó rất quan trọng với nghề viết, bởi nó như một cú tạo đà, một cú huých để cả năm có động lực. Mấy năm nay, nghị định 100, bạn bè tới hoặc tôi tới bạn thì cưỡi... tắc xi, grab. Tất nhiên vì thế mà, sự ngồi với nhau nó thưa vắng người hơn. Nhưng cái không khí 30 ấy, nó vẫn không đổi. Một không khí mà nếu không có tết thì không thể có...
Thế nên dù có hiện đại, dù có đổi thay, có giản tiện thế nào chăng nữa, tôi vẫn thấy tất niên là một mỹ tục.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả