Chúng tôi về làng hoa Tây Tựu vào một ngày cuối năm khi những người nông dân nơi đây đang miệt mài trên cánh đồng, chăm sóc hoa để thu hoạch đúng dịp tết. Mấy năm gần đây, nhờ hoa tươi, nhiều gia đình đã "thoát nghèo", nhưng cái nắng cái mưa thất thường cũng khiến không ít người trồng hoa phải ngậm ngùi.
"Nghề chăm con mọn"
Cách trung tâm Hà Nội 15 cây số, làng hoa Tây Tựu được biết đến với nghề trồng hoa từ lâu đời. Cũng giống như làng hoa Nhật Tân, Ngọc Hà, Quảng Bá..., giáp tết là thời điểm những người trồng hoa đang gấp rút để chăm chút cho những bông hoa được nở đúng dịp. Trên cánh đồng, những người nông dân đang bắt sâu, tỉa cành để cho một mùa hoa bội thu.
Gia đình anh Xuân đang giao hàng cho khách mua hoa
Ngay từ ngã tư rẽ vào làng hoa, xe máy, ô tô từ trung tâm Hà Nội đã tấp nập vào làng để lấy hoa phục vụ tết. Nhiều lái buôn tận Hải Dương, Bắc Giang cũng về Tây Tựu lấy hoa. Mỗi năm, Tây Tựu chỉ canh tác được hai vụ hoa. Năm nào thời tiết thuận lợi thì cả làng vui mừng, nếu không thì lại chịu cảnh nước ngập trắng đồng mà không cứu được hoa.
Cuối năm nay, Tây Tựu được mùa hoa, khắp các cánh đồng đều rực sắc màu của nhiều loài hoa. Tuy nhiên, đằng sau những cánh hoa lung linh sắc màu ấy là sự vất vả của những người trồng hoa, nhất là làng hoa vừa trải qua hai đợt rét đậm, rét hại năm 2012 và đầu năm 2013 này. Anh Trần Văn Xuân (một chủ vựa hoa ở Tây Tựu) cho biết: "Nghề trồng hoa không vất vả bằng cấy lúa, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và chịu khó, vì đây là nghề phụ thuộc vào thời tiết. Mọi người đều cho rằng, nghề trồng hoa là "nghề chăm con mọn", bởi phải lựa theo hoa, theo nắng mưa thất thường của ông trời để chăm sóc. Có thời gian, gần như cả làng đã phải ngủ ngoài lán cạnh ruộng để che chắn gió lạnh cho hoa. Chỉ khi nào đến tết, hoa được thu hoạch hết, chúng tôi mới yên tâm để canh tác cho vụ sau...".
Làng hoa Tây Tựu giờ trồng chủ yếu là hoa hồng, ly, cúc, đồng tiền... Tại ruộng hoa, nhà nào cũng làm lều để ngủ qua đêm, nhất là từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, "lái buôn" các nơi đổ về lấy hoa từ 12h đêm đến 7h sáng hôm sau nên làng nhộn nhịp ánh điện, xe vào, xe ra chẳng khác gì phố. Trong những ngày rét đậm vừa qua, nhà nào cũng phải trang bị bóng điện, nilon để giữ ấm cho hoa. Có thời gian, cả gia đình "trực chiến" tại ruộng hoa với bánh mì, nước lọc để tranh thủ chăm sóc hoa được nhiều nhất.
Chị Nguyễn Thị Mai (làng hoa Tây Tựu) cho biết, nhà chị trồng chủ yếu là hoa ly và hoa đồng tiền. Hoa đồng tiền đòi hỏi sự kỳ công chăm sóc vì hoa không ưa nước, không ưa ánh sáng và chịu rét kém nên phải quây nilon. Những luống hoa đồng tiền nhà chị Mai được bao bọc trong khung vòm tre cao hơn đầu người, phủ nilon kín giống như một ngôi nhà chạy dài. Được biết, đầu tư tre, nứa, nilon làm khung cho một sào hoa (1 sào Bắc bộ bằng 360m2) người trồng hoa phải bỏ ra 20 triệu đồng và cứ 1 - 2 năm lại phải cải tạo, sửa chữa lại khung đó. Đến Tây Tựu bây giờ, ta ít gặp hình ảnh gánh nước tưới hoa, người dân chủ yếu dùng máy bơm vì diện tích một ruộng hoa lớn hơn trước và kỹ thuật phát triển hơn. Tuy nhiên, ở những bờ ruộng cao, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh người nông dân gánh từng thùng nước để tưới hoa.
Theo những người trồng hoa tại đây, cứ hai ngày họ phải tưới nước một lần, với mùa mưa vào từ tháng 6 đến tháng 8 thì cả làng lại lo ngay ngáy vì mưa nhiều mà cánh đồng khó tiêu nước. Tháng 7 vừa qua, nhiều gia đình đã mất trắng vì bị ngập, thậm chí cả những gốc hồng lâu năm cũng chết. Vì thế, thời gian này chính là giai đoạn gấp rút để chăm sóc, thu hoạch hoa cho dịp tết. Tại ruộng trồng hoa hồng, anh Xuân cho biết, ngoài việc tưới nước, giữ ấm cho hoa thì trước khi nụ hoa lớn, người trồng hoa phải chụp mũ cho từng nụ hoa hồng, 10 ngày sau khi nụ bung làm rách mũ giấy mới có thể thu hoạch được hoa. Giống hoa cúc thì phải trồng 4 tháng mới được thu hoạch. Nếu thuận lợi, một sào hoa cúc sẽ thu 20 triệu đồng, nhưng chi phí như: Cây giống, thuốc trừ sâu, tiền điện, phân bón... đã mất khoảng 10 triệu đồng. "Nghề chăm con mọn" này đã làm nhiều người trồng hoa phải "mất ăn mất ngủ" cho đến khi thu hoạch xong.
Người dân làng hoa Tây Tựu đang chăm sóc ruộng hoa
Nghề chỉ trông vào... lễ, tết
Chị Mai cho biết: "Nghề trồng hoa chỉ trông vào những ngày lễ, tết, hoa được giá, chứ ngày bình thường có khi chỉ 400 - 500 đồng/bông. Nhưng, cứ rét thế này, hoa không đẩy nụ lên, tiếng là được giá, nhưng lượng thu hoạch giảm nên lợi nhuận có khi không bằng so với thời điểm bình thường. Gặp những ngày nắng ấm, chỉ cần khoảng 20 ngày để một bông hoa từ lúc kéo mầm đến thu hoạch, nhưng rét thế này, quá trình sinh trưởng kéo dài 30 ngày. Chẳng hạn, hoa ly phải đầu tư công chăm sóc, tiền giống, tiền làm lồng...công phu. Giá hoa ly bán tại ruộng rơi vào khoảng 30.000 đồng/cành. Cũng may, hoa ra quanh năm nên thu nhập cũng đỡ, thôi thì lúc nọ đỡ lúc kia".
Bên cạnh ruộng hoa nhà mình, anh Lê Tâm (làng Đăm, Tây Tựu) chia sẻ: "Để có được ruộng hoa đồng tiền như bây giờ, ngoài tiền khung tre, nứa, người trồng hoa phải mất tiền giống 5 - 7.000 đồng/cây. Với một sào hoa, năm đầu tiên, người trồng hoa chỉ thu lại được tiền vốn bỏ ra, sang năm thứ 2, thứ 3 mới có lãi. Trồng từ tháng 3 đến tháng 6 mới thu hoạch được lứa đầu tiên và sau 2 - 3 năm là phải thay giống một lần. Hiện nay, giá bán hoa cúc khoảng 1.500 đồng/bông, hoa hồng 2.000 đồng/bông, ly 30.000 - 70.000 đồng/bông. Cận tết, giá hoa sẽ tăng hơn. Tuy nhiên, giá hoa tết khó tăng cao như năm trước, một phần vì lượng hoa năm nay khá lớn, mặt khác cũng vấp phải sự cạnh tranh từ hoa Trung Quốc, hoa Đà Lạt... Nói chung là ai kiên trì, tiết kiệm thì sẽ có vốn để tích góp làm nhà, cho con cái ăn học, chứ "tiêu hoang" một chút là không có đâu".
Hiện nay, dân số ngày càng tăng, diện tích đất trồng hoa giảm, người dân Tây Tựu phải đi thuê đất với diện tích lớn ở những vùng lân cận như Trôi, Phùng, Xuân Phương... để tiện cho việc trồng và chăm sóc hoa. Anh Tâm chia sẻ, ở làng này, nhà ai trồng hoa cũng phải đi thuê đất. Những hộ có diện tích ruộng ít cho người cùng làng có diện tích lớn thuê lại để ghép lại thành ruộng to, còn họ lại đi thuê đất nơi khác để trồng. Được biết, giá thuê đất hiện nay ở Tây Tựu khoảng 3 - 5 triệu đồng/sào, tùy theo mảnh đất to hay nhỏ.
Những ngày giáp tết này, người trồng hoa phải vất vả và chịu khó gấp 2 - 3 lần ngày thường, bởi nhu cầu về hoa trên thị trường tăng đột biến. Nhiều gia đình ở ruộng hoa đến 7 - 8h tối để làm việc, sau đó phải có người túc trực tại ruộng hoa để từ 12h đêm là thương lái các nơi đổ về lấy hoa cho kịp chợ sáng. Một số người trồng hoa khác lại tự mình mang ra chợ bán mà không qua các "trung gian" hoa, hàng ngày họ tưới nước, nhổ cỏ, tỉa lá, sau đó bẻ hoa xong phải cho bông hoa vào túi nilon để cánh hoa không bị dập, bó thành chục, chở về nhà lại ngâm cành vào nước, chiều tối ra chợ bán.
Trồng hoa làm đẹp cho đời, một sương hai nắng với ruộng hoa của mình, những người trồng hoa ở Tây Tựu cũng ý thức được tương lai của làng hoa để quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống, tạo nên bản sắc riêng cho hoa Tây Tựu. Để làm phong phú thị trường hoa, nhiều người trong làng nhập thêm một số loại khác nhằm đáp ứng nhu cầu ngay càng cao của thị trường, như dơn đỏ, cúc Đà Lạt...
"Vất vả cho trái ngọt" Cũng không phủ nhận rằng, tại làng Tây Tựu hiện nay, nhiều gia đình đã có của ăn, của để nhờ hoa. Tuy nhiên, có được thành quả như ngày hôm nay, họ đã phải lao động vất vả, sau mỗi cánh hoa là những giọt mồ hôi mặn chát. Hiện nay, người dân đã biết chăm lo cho thế hệ tương lai, nhiều người trồng hoa có những người con rất thành đạt. Nhiều người trẻ làng Tây Tựu sau khi tốt nghiệp đại học Nông nghiệp, quay trở lại làm việc tại quê hương, mang kỹ thuật mới vận dụng vào sản xuất... |
Lạc Thành