Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đi trên cao dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đang trong giai đoạn chạy thử; dự kiến vận hành thương mại 6 tháng tới.
Trong số 13 đoàn tàu của dự án, quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng.
Mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80 m, sức chứa lên đến 1.000 hành khách. Vỏ tàu làm bằng thép không gỉ theo tiêu chuẩn châu Âu. Mỗi toa dài khoảng 19 m, rộng 2,8 m, cao 3,8 m, bên trong có các hàng ghế và thanh trụ, thanh treo giúp hành khách đứng vững.
Tàu sẽ dừng tại mỗi ga để hành khách lên xuống khoảng 30 giây. Tần suất chạy tàu 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể giảm xuống 2-3 phút mỗi chuyến. Các toa tàu đều được trang bị hệ thống radio hai chiều, cho phép hành khách có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên điều khiển trong tình huống khẩn cấp.
Lịch chạy tàu được bố trí vận hành xuyên suốt và ổn định vào tất cả các ngày trong năm, không bị ảnh hưởng với thời tiết hay môi trường.
"Giá vé sẽ không quá cao"
Vé tàu điện giống thẻ ATM, sử dụng công nghệ hiện đại, có tính bảo mật cao, được bán ở các nhà ga hoặc máy bán vé tự động. Vé sẽ được kết hợp liên thông, sử dụng cho các phương tiện vận tải công cộng khác như xe buýt thường, xe buýt nhanh. Hành khách có thể mua vé đi theo lượt, theo ngày, tuần, tháng; vé theo nhóm nhiều người.
Hành khách qua cửa soát vé tự động. Nếu thẻ/vé hợp lệ, máy sẽ phát ra tiếng "tít" và mở cửa để hành khách đi qua. Hành khách cần giữ lại thẻ/vé để soát vé tại ga đến.
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã trình phương án giá vé cao hơn giá vé lượt xe buýt khoảng 35-37%; vé tháng cao hơn vé tháng xe buýt 10-15%. Như vậy với giá vé lượt xe buýt hiện hành là 7.000 đồng thì vé tàu điện dự kiến 10.000 đồng.
"Giá vé hiện nay chưa được UBND TP.Hà Nội quyết định song sẽ không quá cao, theo hướng cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng", đại diện công ty khẳng định.
12 nhà ga có nhiều tiện ích
Trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga được thiết kế với nhiều tiện ích gồm thang máy, thang cuốn, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu, tin tức và hệ thống thông gió, phòng cháy chữa cháy và camera giám sát an ninh.
Hệ thống camera do nhân viên điều độ trung tâm điều hành, nhân viên trực ban ga và giám sát lái xe khởi động tàu cùng thực hiện, hình thành mạng giám sát khép kín.
Mỗi nhà ga gồm 2 khu vực chính là nơi phục vụ hành khách với sảnh ra vào, máy bán thẻ/vé, quầy thông tin và dịch vụ khách hàng, cửa thu soát vé tự động, các thiết bị hỗ trợ người khuyết tật...
Tuyến đường sắt được kết nối với các phương tiện khác
Dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên quốc lộ 6 có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.
Các tuyến buýt có lộ trình hoạt động chủ yếu trên trục quốc lộ 6, đoạn Ngã Tư Sở - Yên Nghĩa có 6 tuyến trục (01, 02, 19, 21A, 21B, 27) hoạt động trùng với lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 10 tuyến có lộ trình hoạt động cắt ngang quốc lộ 6 (05, 22, 29, 33, 37, 39, 57, 60A, 60B, 62). Ngoài ra còn có nhiều tuyến buýt cắt ngang trùng từ một đến 3 ga với tuyến đường sắt.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng đang được kết nối với các tuyến buýt hướng ra ngoại thành theo các trục quốc lộ 6, quốc lộ 21B (như tuyến 72 bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai, tuyến 37 bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ, tuyến 57 bến xe Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa)...
Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt trùng sẽ được giảm và điều chỉnh để gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc kết nối theo nguyên tắc xe buýt sẽ cung cấp và giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga. Tất cả các nhà ga đường sắt đều có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.
Tàu điện chạy làn đường riêng với tốc độ ổn định, trung bình đạt 35 km/h, trong khi tốc độ xe buýt trung bình 16 km/h và phụ thuộc vào tình hình giao thông. Do đó, thời gian lưu thông bằng tàu điện sẽ tối ưu hơn.
Ngoài ra, tuyến đường sắt còn tiếp cận hành khách đi phương tiện cá nhân khác như ôtô, xe máy, xe đạp nên tại các nhà ga đều có điểm đỗ xe, gửi xe và có cầu thang bộ để tiếp cận người đi bộ.
200 lao động đào tạo tại Trung Quốc
Để chuẩn bị vận hành tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã tuyển dụng 681 lao động Việt Nam, trong đó 201 người được đưa đi học ở Trung Quốc. Các lao động này đều đã xong đào tạo lý thuyết và chờ thực hành trên tuyến.
Trong 681 nhân sự, sẽ có 651 người trực tiếp tham gia vận hành dự án, còn 30 nhân sự điều hành, quản lý.
Trong giai đoạn đầu vận hành thử từng hạng mục kỹ thuật của dự án, lực lượng lao động của tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm chính. Giai đoạn hai vận hành thử trên toàn tuyến, các lao động Việt Nam sẽ được đưa vào tác nghiệp, chuẩn bị cho công tác vận hành chính thức.
Khung pháp lý cho tuyến đường sắt đô thị đầu tiên
Lần đầu tiên, Việt Nam vận hành tuyến đường sắt đô thị do đó, các văn bản quy pháp pháp luật, khung pháp lý cho phương thức vận tải mới này đang được hoàn tất.
Cục Đường sắt đã xây dựng 3 nghị định, 17 thông tư, 3 quy chuẩn tiêu chuẩn liên quan. Việc sát hạch và cấp giấy phép lái tàu đường sắt trên cao thực hiện theo quy định; lái tàu phải được đào tạo chính quy, làm phụ lái 2 năm, sau đó mới được tham gia sát hạch, lấy chứng chỉ chuyên môn.
Ngoài ra, Hà Nội đang xây dựng các quy định quản lý bảo trì tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự kiến UBND thành phố phê duyệt trong tháng 8.
Xem thêm >> Hé lộ giá vé tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông
Theo Vnexpress