Trao đổi với PV, ông Đào Minh Tâm, phó phòng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho biết, hướng tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được các chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu từ năm 2004. Các chuyên gia này xác định, tuyến tàu điện số 2 đi ngoài khu phố cổ theo đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải và phương án khác là đi qua khu phố cổ và hồ Gươm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, tàu điện qua phố cổ và Hồ Gươm sẽ triển khai hiệu quả hơn vì người dân dễ tiếp cận, giảm phương tiện cá nhân, trong khi đó, phương án đi ven phố cổ sẽ thiếu ổn định do nằm gần đê sông Hồng. Thủ tướng đã phê duyệt dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 đi qua phố cổ.
Mô hình ga tàu điện nhiều tầng được áp dụng phổ biến. Ảnh: Hữu Công |
Trên tuyến này, cơ quan chức năng xác định ga C9 nằm dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, với chiều dài 150 m, rộng 20 m, xây dựng 3 tầng với độ sâu 20 m. Ga tàu điện được đặt ngầm dưới tầng sâu nhất, hai tầng trên là sảnh đợi, soát vé. Nhà ga có một cửa lên xuống tại vỉa hè bên Hồ Gươm, hai cửa lên xuống khác đặt tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội.
Theo ông Tâm, việc bố trí ga C9 đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội chấp thuận. Vị trí này sẽ tạo điều kiện giúp hành khách tiếp cận thuận tiện đến các địa điểm văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội tại trung tâm thủ đô.
Đề cập khả năng ảnh hưởng cảnh quan, ông Tâm cho rằng, cửa lên xuống thường cao 3 - 4 m, chỉ có mái che bằng kính nên sẽ không ảnh hưởng cảnh quan hồ Gươm, thậm chí các chuyên gia Nhật Bản còn tính đến việc không sử dụng mái che. Khi có mưa, hệ thống bơm trong nhà ga sẽ tự động bơm thoát nước. Các hạng mục phụ trợ nổi trên mặt đất như tháp làm lạnh, giếng thông gió sẽ được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo kiến trúc của khu vực.
Trước lo ngại của một số chuyên gia về khả năng tiếp cận các phương tiện khác như xe buýt, taxi, xe ôm, ông Tâm nhấn mạnh, ga C9 không được xác định là ga trung chuyển nên không tích hợp các phương tiện giao thông khác. Nếu hành khách có xe máy, ôtô thì có thể gửi xe tại nhiều bãi trông giữ xe đã được thiết lập phục vụ các tuyến phố đi bộ lân cận.
"Ngày lễ hội, du khách có thể đi tàu điện vào trung tâm vui chơi mà không phải đi xe cá nhân, giúp giảm ùn tắc trong nội đô", ông Tâm bày tỏ và cho rằng, trong tương lai khu vực hồ Gươm sẽ giảm phương tiện cá nhân qua lại nên chắc chắn không có tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông như nhiều người lo ngại.
Trước đó, một số chuyên gia cho rằng, xây dựng ga tàu điện ngầm tại khu vực hồ Gươm sẽ ảnh hưởng cảnh quan, gây mất trật tự đô thị. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận xét, ga tàu điện được liên kết với hệ thống ngầm khác như bãi đỗ xe, siêu thị ngầm nên sẽ tập trung nhiều người. Trong khi đó, khu vực quanh hồ Gươm hiện rất chật chội với nhiều công trình xây dựng nên không đủ không gian cho các phương tiện khác tiếp cận.
"Nếu chỉ tìm một khu vực thuận tiện cho người đi ngắm bờ hồ thì không phải. Tôi thấy đặt ở sát hồ Gươm là không ổn, cần quy hoạch và tính toán lại các khu vực khác có không gian hơn như quảng trường Nhà hát lớn", ông Liêm bày tỏ.
UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch kiến trúc dự án xây dựng tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km (trong đó có 8,5 km đi ngầm qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận). Tổng đầu tư của dự án khoảng 131 tỷ Yên Nhật, tương đương 19.556 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018, đoàn tàu sẽ có 4 toa và sang giai đoạn 2 sẽ tăng lên 6 toa. Mỗi toa tàu vận chuyển từ 620 đến 1400 khách, vận tốc tối đa 120km/h tại đoạn nổi và 80km/h tại đoạn ngầm. |
Theo Vnexpress.net