Trên quỹ đạo hiện tại, tàu đổ bộ sẽ bay một vòng quanh Mặt Trăng trong mỗi 6.4 giờ. Tuy nhiên, trong những tuần tới đây, tàu này sẽ dần siết chặt quỹ đạo, tới gần bề mặt Mặt Trăng hơn trong khi chuẩn bị cho sứ mệnh hạ cánh lịch sử, được dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 1 năm 2024.
Nếu sứ mệnh này thành công, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ năm đạt được mục tiêu này và quốc gia thứ ba thành công trong thế kỷ 21.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai quốc gia duy nhất đáp an toàn một tàu đổ bộ lên Mặt Trăng trong thế kỷ 21 cho tới nay, đánh dấu một bước tiến trong cuộc đua tới Mặt Trăng mới xoay quanh nỗ lực phát hiện và khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên trên Mặt Trăng nhằm phục vụ những sứ mệnh bởi các phi hành đoàn trong tương lai.
Robot thám hiểm của Nhật Bản sẽ thể hiện phương pháp đáp “chính xác”, với mục tiêu đáp xuống bề mặt Mặt Trăng một cách cực kỳ chính xác, và thu thập dữ liệu về các loại đá mặt trăng có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cấu trúc của Mặt Trăng.
Chuẩn bị hạ cánh
Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản, hay JAXA, trong ngày 25 tháng 12 tuyên bố tàu đổ bộ Mặt Trăng đã đi vào quỹ đạo hình elip, đưa tàu này vào đường bay qua cực Bắc và cực Nam của Mặt Trăng ở độ cao từ 600 tới 4000 km.
Trong vòng ba tuần rưỡi tới, quỹ đạo của tàu đổ bộ sẽ được siết chặt tới mức có thể, chỉ còn cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 15km, trước khi tàu này bắt đầu quy trình hạ độ cao sau cùng.
Tàu đổ bộ Moon Sniper – còn được gọi là SLIM (Smart Lander for Investigating the Moon – Tàu Đổ bộ Thông minh cho Mục đích Phân tích Mặt Trăng) – sẽ hạ cánh mềm vào lúc 12h20 ngày 20 tháng 1 theo múi giờ Nhật Bản.
SLIM – Moon Sniper
Tàu đổ bộ hạng nhẹ SLIM sẽ nhắm tới tiếp đất trong khu vực hạ cánh có chiều dài 100 mét, thay vì km như các sứ mệnh thông thường.
Nếu đáp bề mặt Mặt Trăng thành công, các nhà khoa học kỳ vọng tàu SLIM sẽ thám hiểm khu vực gần một hố va chạm mang tên Shioli – gần địa điểm hạ cánh tàu Apollo 11 nơi các phi hành gia của NASA hạ cánh vào năm 1969.
Cuộc đua lên Mặt Trăng
Cho tới nay, Mỹ là quốc gia duy nhất đã đưa con người lên Mặt Trăng, nhưng NASA không hạ cánh mềm đối với các phi hành gia hay robot lên bề mặt Mặt Trăng kể từ khi thực hiện sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972.
Một tàu không gian được công ty Ispace của Nhật Bản phát triển và một tàu đổ bộ Mặt Trăng được phóng bởi Roscosmos, cơ quan vũ trụ Nga, đều đã thử hạ cánh trong năm 2023 và đều thất bại.
Cả hai tàu đều bị va chạm sau khi gặp vấn đề trong hệ thống điều hướng.
Một tàu đổ bộ Mặt Trăng do Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, cơ quan vũ trụ Ấn Độ phát triển, đã hạ cánh thành công trong tháng 8, đưa quốc gia này trở thành quốc gia thứ tư đạt được mục tiêu này sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô.
Tàu không gian của Ấn Độ đã hạ cánh gần cực Nam của Mặt Trăng, nơi các nhà khoa học cho rằng có nhiều khu vực tích tụ nước đá, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh phương tiện gần khu vực này.
Một năm với nhiều sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng
Sau khi tàu Moon Sniper của Nhật Bản thực hiện đổ bộ, Mỹ sẽ hướng tới mục tiêu đưa ba robot thám hiểm tới bề mặt Mặt Trăng trong năm tới.
NASA cũng có ý định đưa phi hành gia vào quỹ đạo Mặt Trăng trong cuối năm 2024.
Nếu thành công, sứ mệnh Artemis II sẽ mở đường cho một sứ mệnh mới với khả năng có thể sẽ đưa con người tới Mặt Trăng trong thập kỷ này.
Sứ mệnh tàu mang phi hành đoàn Artemis III của NASA có thể sẽ đánh dấu lần đầu tiên phi hành gia trở lại bề mặt Mặt Trăng từ những năm 1970 tới nay.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)