Theo phản ánh của ngư dân xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều tháng nay, trên vùng lộng từ xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) vào đến xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) xuất hiện nhiều tàu giã cào ngoại tỉnh công suất lớn như: Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa… liên tục hoạt động trái phép trên vùng biển Hà Tĩnh.
Những chiếc tàu giã cào này đi đến đâu là “ngoạm” hết tôm, cá, kể cả những con cá hay con ốc nhỏ nhất cũng không thể thoát. Đặc biệt, những chiếc giã cào còn “nuốt chửng” cả lồng và ngư cụ của ngư dân đánh ghẹ trên khu vực biển này.
Liên tục mất ngư cụ khiến cho ngư dân không dám ra biển đánh bắt, hàng trăm chiếc thuyền buộc phải neo bờ dù thời tiết thuận lợi và đang ở chính vụ cá Nam (từ tháng 3 đến tháng 9).
Ngư dân Lê Văn Dũng (37 tuổi, thôn Trung Hà, xã Cẩm Lộc) cho biết, 2 tuần nay anh phải neo thuyền, ở nhà không thể đi làm nghề được. Vì trước đó, anh thả 300 lồng bẫy ghẹ ở vùng biển Kỳ Anh nhưng vừa thả thì hôm sau ra kiểm tra, toàn bộ lồng đã biến mất. “Số lồng này tôi mua hết 48 triệu đồng, bây giờ không giám đóng lồng mới để đi bẫy ghẹ nữa vì nếu tàu giã cào vẫn tiếp tục hoạt động ở đây thì lồng bẫy sẽ tiếp tục bị mất”, ngư dân Lê Văn Dũng nói.
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Huệ (43 tuổi, thôn Lộc Thủy, xã Cẩm Lộc) cũng mất 150 lồng trị giá 23 triệu đồng. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thiểu (50 tuổi, thôn Trung Hà) mất 80 lồng. “Mất lồng thì coi như nghỉ ở nhà, giờ tôi phải vay mượn tiền để mua lồng mới. Ở đây, nhiều ngư dân bị mất lồng liên tục, không có tiền để mua lại nên không dám ra biển nữa”, ông Thiểu nói.
Không dừng lại ở đó, theo phản ánh của ngư dân, ngoài mất ngư cụ, thuyền của họ nhiều lúc còn bị tàu giã cào “tấn công”, đâm chìm, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Vừa là Trưởng thôn Trung Hà vừa là ngư dân, ông Lê Văn Quân (51 tuổi) chia sẻ, vùng lộng từ Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) đến Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thường xuyên bị tàu giã cào các tỉnh khác vào đánh bắt trái phép. Họ sử dụng lưới dạ, đèn pha, thậm chí là sử dụng mìn, thuốc nổ đánh bắt cả ngày lẫn đêm, vào sâu tận mép đá ở bờ biển.
Theo ông Quân, ngoài việc ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân, việc tàu giã cào hoạt động trái phép sẽ khiến nguy cơ tận diệt môi sinh, môi trường vùng biển và có nguy cơ mất an toàn trên biển. “Trước tình trạng ngư dân phải neo thuyền vào bờ như thế tôi phải động viên người dân phản ánh đến cơ quan chức năng, không nên đối chọi, gây xung đột trên biển, tránh tai nạn xảy ra”, ông Quân nói.
Xác nhận tình trạng trên, ông Hoàng Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết, toàn xã có 3 thôn chuyên đánh bắt, kinh doanh thủy hải sản gồm Vinh Lộc, Trung Hà và Lộc Thuỷ. Có 34 tàu trên 90CV, gần 150 tàu thuyền dưới 90CV với hơn 700 lao động. Gần 1 tháng nay, tình trạng tàu giã cào hoành hành đã khiến ngư dân Cẩm Lộc không thể ra biển được, nếu đi cũng chỉ thu về được rất ít hải sản, thu không đủ chi. Chính quyền xã chỉ có thể kiến nghị lên huyện và cơ quan chức năng chứ không đủ thẩm quyền để xử lý vi phạm trên biển.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cũng cho biết, tình trạng tàu giã cào hoạt động trái phép, liên tục thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến môi sinh và việc đánh bắt thủy, hải sản của bà con, cần báo động. Tàu giã cào thường đi theo từng cặp chạy song song với nhau rồi dùng loại lưới lớn, mắt dày và có nhiều lớp để quét hải sản từ tầng đáy đến mặt nước. Với kiểu đánh bắt như vậy, các loại cá nhỏ đến cá trưởng thành đều không thể thoát khỏi lưới giã cào, chính vì vậy về lâu dài sẽ tận diệt môi sinh. Lâu nay, ngư dân địa phương ra biển đánh bắt đạt sản lượng rất thấp và chỉ đánh bắt được những con cá, tôm rất nhỏ.
Được biết, trước thực trạng tàu giã cào hoành hành, ngư dân đã nhiều lần phản ánh đến đường dây nóng của Đồn Biên phòng Thiên Cầm (Biên phòng Hà Tĩnh) nhưng không nhận được hỗ trợ tích cực. Để cứu lấy mình, họ đã viết đơn tập thể cầu cứu các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh.
Liên quan sự việc, ông Nguyễn Công Thắng, Phó Chi cục trưởng chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, chi cục đã nhận được đơn kiến nghị của bà con ngư dân và sẽ sớm triển khai lực lượng kiểm ngư xuống địa bàn để kiểm tra, xử lý.
Theo ông Thắng, từ năm 2016-2018, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các tàu cá vi phạm về quản lý khai thác thủy sản được thực hiện đồng loạt, góp phần ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp, đăc biệt là hành vi sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản, các tàu cá làm nghề giã cào vi phạm hoạt động ở vùng ven bờ, vùng lộng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, chưa xử lý bất cứ tàu cá vi phạm nào.
"Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản hết hiệu lực nên chưa có căn cứ nào để xử lý tàu cá vi phạm năm 2019 mà chỉ có thể xua đuổi ra khỏi vùng đánh bắt sai phép. Để ngăn chặn, xử lý các tàu giã cào cần phải có sự phối kết hợp nhiều lực lượng chức năng như kiểm ngư, bộ đội biên phòng... mới ngăn chặn, xử lý triệt để được", vị Phó Chi cục trưởng hi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói.